Quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh tại Hà Nội: Nên giữ hay bỏ?

Hà Nội vừa chấp thuận, cho phép một doanh nghiệp thí điểm tuyến vận tải mới từ Bến xe Giáp Bát đi bến xe thành phố Lào Cai, Bến xe Sa Pa và tuyến Bến xe Nước Ngầm đi Bến xe Sa Pa, trên cơ sở đăng ký phương án khai thác tuyến cố định. Việc thí điểm tuyến vận tải mới, khiến dư luận băn khoăn liệu có phá vỡ quy hoạch luồng tuyến của Hà Nội?

Phát huy hiệu quả?

Với quy định luồng tuyến vận tải, theo tìm hiểu, từ giai đoạn những năm 2016 - 2017 đến nay, Hà Nội vẫn đang thực hiện việc sắp xếp luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh theo phương án phân luồng xe đến từ hướng nào, sẽ vào bến đầu tiên của hướng đấy.

Nói cách khác, xe khách đến từ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc sẽ vào các bến xe nằm tại các vị trí tương ứng Đông, Tây, Nam, Bắc của Hà Nội. Các tuyến đi các tỉnh Tây Bắc, phía Nam sẽ vào Bến xe Yên Nghĩa, các tuyến đi cầu Thăng Long vào Bến xe Mỹ Đình, các tuyến đi quốc lộ 1A vào Bến xe Giáp Bát và Bến xe Nước Ngầm.

Bên cạnh đó, vẫn có những tuyến được ưu tiên giữ luồng tuyến ban đầu, ổn định giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, đơn cử như tại Bến xe Giáp Bát và Bến xe Nước Ngầm vẫn có tuyến đi Hải Phòng theo cầu Thanh Trì. Sự sắp xếp ưu tiên này là phù hợp và được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh đợi khách tại bến xe. Ảnh: Đinh Luyện

Doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh đợi khách tại bến xe. Ảnh: Đinh Luyện

Đề cập về việc một doanh nghiệp xin thí điểm Bến xe Lào Cai, Sa Pa (tỉnh Lào Cai) về Bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm (Hà Nội), tại buổi tọa đàm “Quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội: Giữ hay bỏ?" do Báo Giao thông tổ chức, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, tuyến vận tải do doanh nghiệp đề xuất chủ yếu hoạt động theo đường cao tốc và vành đai, không đi xuyên tâm vào thành phố.

Tuyến mới này đi theo hướng cầu Thanh Trì, bởi thực tế, cầu Thanh Trì hiện nay vẫn có tuyến vào Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm. Việc tổ chức hoàn toàn phù hợp với tổ chức giao thông, không chạy xuyên tâm.

Giải đáp trước thắc mắc các đơn vị vận tải khác cũng đề nghị xin thí điểm có phá vỡ luồng tuyền theo quy hoạch hay không, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội khẳng định, khi làm thí điểm sẽ phải cân nhắc, lựa chọn, khó có thể đại trà.

Đối với các tuyến vận tải liên tỉnh, khi đăng ký tham gia, trên cơ sở quy hoạch được 2 địa phương thống nhất báo cáo Bộ GTVT, các đơn vị đủ điều kiện sẽ đăng ký tham gia trên cổng dịch vụ công điện tử trên nguyên tắc ai đăng ký tham gia trước sẽ được công nhận trước.

Ngoài ra, khi cân nhắc đề xuất thí điểm, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu phải hội tụ đủ yếu tố phù hợp công tác tổ chức giao thông của thành phố, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, không đi xuyên tâm gây ùn tắc giao thông. Sở sẽ phối hợp với địa phương để đánh giá số lượng phương tiện, làm một cách khoa học, tránh trường hợp thí điểm ào ào, có thể dẫn đến tình trạng mất trật tự. Tuy nhiên, mỗi tuyến cần phải có tối thiểu 2 đơn vị tham gia, tránh trường hợp một đơn vị độc quyền.

Vẫn cần phải duy trì

Bàn về quy định luồng tuyến vận tải, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, quy định về luồng tuyến vận tải đã được đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và được tiếp tục cụ thể hóa tại Nghị định 41/2024 được ban hành tháng 4 vừa qua. Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ đang được trình Chính phủ, quy định luồng tuyến vận tải cũng được đề cập nhằm giữ sự ổn định để các doanh nghiệp đầu tư, khai thác ổn định các tuyến vận tải.

Việc phân luồng tuyến vận tải đã được khách hàng chấp nhận, các doanh nghiệp vận tải cũng hoạt động từng bước ổn định. Ảnh: Đinh Luyện

Việc phân luồng tuyến vận tải đã được khách hàng chấp nhận, các doanh nghiệp vận tải cũng hoạt động từng bước ổn định. Ảnh: Đinh Luyện

Mặt khác, theo Nghị định 41/2024, hiện Chính phủ đã phân cấp triệt để, cụ thể cho địa phương trong việc điều chỉnh, sắp xếp, bổ sung danh mục luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh, để đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý và phù hợp với từng tỉnh, thành; sao cho hành khách đi tuyến vận tải cố định tiếp cận các tuyến xe phù hợp nhất, dễ dàng nhất.

Ông Thủy khẳng định, cần bắt buộc thực hiện quy định luồng tuyến vận tải, đây được coi là điểm đặc thù, đặc trưng nhất của vận tải tuyến cố định liên tỉnh. Tại Hà Nội, càng cần phải giữ quy định này, và thực tế đánh giá sau 8 năm điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh ở Thủ đô đã đạt hiệu quả cao.

Chung quan điểm về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam chia sẻ, việc Hà Nội tổ chức vận tải theo hướng tuyến đã cho thấy tác dụng rất tốt, là cách làm khoa học, đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn, giảm ùn tắc giao thông. Ban đầu một vài doanh nghiệp thực hiện còn khó khăn, nhưng sau 8 năm, đến nay cơ bản mọi vấn đề được ổn định.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quy-dinh-luong-tuyen-van-tai-khach-lien-tinh-tai-ha-noi-nen-giu-hay-bo-181634.html