Quy định mới nhất về hoạt động đầu tư từ các quỹ bảo hiểm
Chính phủ ban hành Nghị định số 212/2025/NĐ-CP ngày 25/7/2025 quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Nghị định nêu rõ, hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN tuân thủ nguyên tắc đầu tư của từng quỹ quy định tại Luật BHXH, Luật BHYT và Luật Việc làm. Việc ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu Chính phủ dài hạn, do Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội (Hội đồng quản lý) quyết định tại phương án đầu tư hằng năm và được xác định bằng tỷ trọng số dư trái phiếu Chính phủ so với số dư tổng danh mục đầu tư của BHXH Việt Nam.
Danh mục đầu tư tại thị trường trong nước bao gồm công cụ nợ của Chính phủ gồm trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc; trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; tiền gửi tại các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ; không thực hiện đầu tư tại các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt; trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ; không thực hiện đầu tư tại các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt. Danh mục đầu tư tại thị trường quốc tế là trái phiếu Chính phủ.
Theo Nghị định, BHXH Việt Nam thực hiện tự đầu tư hoặc ủy thác đầu tư. Trường hợp ủy thác đầu tư, BHXH Việt Nam xây dựng phương án thực hiện để báo cáo Hội đồng quản lý thông qua trong phương án đầu tư hằng năm.
Về sử dụng tiền sinh lời của hoạt động đầu tư, Nghị định nêu rõ, toàn bộ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư được sử dụng như sau: Trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN theo nguyên tắc: Mức trích quỹ dự phòng rủi ro hằng năm tối đa không quá 2% số tiền sinh lời của hoạt động đầu tư cho đến khi số dư quỹ dự phòng rủi ro bằng 5% số dư nợ đầu tư vào các sản phẩm quy định tại khoản 3, 4 Danh mục đầu tư nêu trên của năm trước liền kề.Mức trích cụ thể do Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định. Quỹ dự phòng rủi ro trong thời gian chưa sử dụng được đầu tư vào công cụ nợ của Chính phủ.
Phần còn lại được phân bổ vào các quỹ BHXH, BHYT, BHTN theo tỷ lệ số tiền sinh lời đóng góp của từng quỹ BHXH, BHYT, BHTN trên tổng số tiền sinh lời của các quỹ BHXH, BHYT, BHTN trong năm…
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể về chi phí đầu tư và việc theo dõi, hạch toán khoản đầu tư; trách nhiệm của BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH Việt Nam…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2025; thay thế Nghị định số 30/2016/NĐ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Đối với quy định tại điểm đ khoản 1, khoản 2 Điều 4 và Điều 11 Nghị định số 30/2016/NĐ-CP tiếp tục thực hiện cho đến khi Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013 hết hiệu lực thi hành.