Người cần mẫn gieo hạt giống ở châu Phi

Anh vốn là con người góc cạnh, cụ thể và chu đáo. Dù ở đâu, làm gì đều để lại ấn tượng khó quên. Anh là Vũ Trung Chính, một người bạn nối khố của tôi.

Anh học giỏi, năng động, nên ngay từ khi ra trường, những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, đã trở thành sinh viên thực tập trong đoàn chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Bộ Nông trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).Chỉ qua một vài vụ anh hướng dẫn nông dân làm thành công lúa xuân, đã đưa hợp tác xã An Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Trực, tỉnh Ninh Bình) trở thành điểm sáng có tiếng ở tỉnh. Thành tích ấy giúp anh được kết nạp Đảng ở tuổi 26, đầy triển vọng.

Tiếng lành đồn xa, anh được về huyện Vụ Bản (nay là phường Thành Nam, tỉnh Ninh Bình) để đào tạo bồi dưỡng, sau đó trở thành Trưởng phòng Nông nghiệp huyện. Mặc dù sự nghiệp đang trên đà phát triển, nhưng lắng nghe lời gọi của Tổ quốc, anh xung phong nhập ngũ, trở thành chiến sĩ thuộc Sư đoàn 325. Mặt trận miền Nam đang những ngày khốc liệt, anh chiến đấu ở địa bàn Quảng Trị từ tháng 4-1972 đến khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc. Ở chiến trường, bàn chân lúc nào cũng sũng bùn, nước trắng nhợt, ngủ hầm, giáp mặt kẻ thù, chịu đường đạn thẳng căng, kể cả đạn pháo. Anh tâm sự: “Lúc đó chỉ mơ ước bao giờ hòa bình được lên mặt đất nằm ngửa ngắm trăng…”.

Sau 3-4 năm ngoài mặt trận, anh xuất ngũ quay trở về tỉnh Nam Định, lần lượt giữ các chức vụ lãnh đạo các phòng, ban: Phòng Trồng trọt, Ban Kế hoạch, Trung tâm nghiên cứu; làm Phó bí thư rồi Bí thư Đảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nam Ninh, Nam Hà... (nay là tỉnh Ninh Bình). Là lãnh đạo Phòng Trồng trọt, một phòng xương sống của Sở, anh cùng tập thể kỹ sư đã tạo dựng nhiều điển hình: Khoai tây đất ướt Đạo Lý, lúa Xuân Phương, ngô trên đất hai lúa Khánh Hải, vụ đông Yên Nhân… rồi phong trào gieo mạ nền, mạ sân, gieo thẳng, đưa vụ lúa xuân thay dần vụ chiêm rét, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình).

 Ông Vũ Trung Chính (ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp nghiên cứu lúa. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông Vũ Trung Chính (ngoài cùng bên trái) cùng đồng nghiệp nghiên cứu lúa. Ảnh do nhân vật cung cấp

Lại nói, vì máu nghề nghiệp, anh cùng đồng nghiệp lặng thầm tổ chức khảo nghiệm, triển khai một dự án nghiên cứu mang tên “Lúa gốc rạ” nhằm tìm ra phương pháp nhân giống lúa không qua hạt, mà từ gốc rạ còn lại sau thu hoạch. Dự án kéo dài suốt ba năm, từ năm 1990 đến năm 1992, phát triển từ gốc rạ của giống lúa vô tính tên là VL 901 có năng suất cao, chất lượng tốt. Kết quả của dự án là thay vì gieo lúa bằng hạt như lâu nay, nhóm đã nghiên cứu và chứng minh có thểtái sinh cây lúa mới bằng mầm mọc lên từ gốc rạ còn lại sau thu hoạch - một dạngsinh sản vô tínhtrong cây trồng.

Tiếng lành đồn xa. Ngày 8-11-1992,Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) mở hội nghị mời lãnh đạo nông nghiệp các tỉnh miền Bắc về xem. Anh dẫn đoàn vào hợp tác xã nông nghiệp Ngô Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định(nay là xã Hồng Quang, tỉnh Ninh Bình)hướng dẫn. Rất nhiều lãnh đạo cấp cao Trung ương có mặt trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện.

Năm 1997, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn kỹ sư làm lúa giúp nước bạn Senegal, một quốc gia ở châu Phi và anh đã xung phong đi. Khởi đầu, vốn liếng anh còn lại chỉ là chiếc xe “bình bịch” màu đỏ ớt, bán đi được hơn chục triệu, mua sắm vặt vãnh vừa hết. Hành lý của anh, ngoài quần áo, thuốc men phòng thân, thì nhiều nhất là thóc giống, hạt bí, mướp, mồng tơi, rau đay, rau muống, su su, đu đủ…

Senegal thuộc vùng Tây Phi, tiếp giáp sa mạc Sahara, sản xuất nông nghiệp đầy gian khổ vì tính khắc nghiệt của thời tiết, đất nghèo kiệt, trình độ dân trí thấp. Ba yếu tố: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa đều khiếm khuyết cả. Ở đây, lượng mưa hằng năm chỉ 300mm (nghĩa là tính từ tháng 6 đến hết tháng 8 chỉ có 300mm nước), còn suốt 9 tháng ròng, từ tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau không có một giọt mưa. Nhiệt độ trung bình 35-38 độ C, có ngày lên đến 42-45 độ C. Viết thư cho tôi, anh kể: “Những lúc ra đồng với nông dân, mình có cảm giác như đứng trên lò gạch đang nung hầm hập, thật rùng mình. Cây cối, cái lá cũng nhỏ quắt lại, đâm đầy gai góc mới sống nổi, nữa là người!”.

Có thể hình dung bức tranh tổng thể châu Phi khi ấy: Kinh tế tăng trưởng chậm do thiếu công nghệ, thiên tai, xung đột sắc tộc, chiến tranh biên giới, đại dịch HIV/AIDS, đói nghèo và nợ nần. Dân thường chủ yếu ăn ngô, mì, sắn. Năm 1987, họ mới bắt đầu trồng lúa. Đầu tiên có chuyên gia Nga, Trung Quốc trợ giúp, tạo năng suất khoảng 2-3 tấn/ha. Khoảng năm 1995-1996, Liên hợp quốc có nghị quyết phối hợp với Việt Nam với mô hình hợp tác 2+1: Việt Nam - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) - một nước châu Phi cùng thực hiện.

Ở đây, các anh vận dụng kiến thức khoa học Việt Nam, vật tư của FAO, sức lao động của người dân Senegal làm mô hình 20-30 ha. Từ đây, anh triển khai các kỹ thuật: Gieo mạ non, cấy chăng dây thẳng hàng, mật độ dày, hoặc gieo thẳng mật độ cao, bón phân tổng hợp cân đối, đủ lượng, đúng lúc; be bờ giữ nước, chọn lách thời vụ đón mưa thay vì cách làm thô sơ như chọc lỗ bỏ hạt… Chỉ có vậy thôi nhưng truyền thụ kiến thức, dạy thao tác cụ thể tận từng người là việc khá nan giải. Dù vậy, anh tự nhủ phải hướng dẫn bằng kỹ thuật và bằng cả tấm lòng, khác với cách làm của một số chuyên gia trước là chỉ hướng dẫn họ làm mà không giải thích cặn kẽ. Với tác phong sẵn có, anh quen miệng nói, tay làm; vẫn quần xắn móng lợn, lội đồng, chỉ bảo, theo dõi sinh trưởng cây lúa. Do nắng nóng, sâu bệnh ít, chỉ có châu chấu phá hại và mối đùn quanh bờ ruộng. Anh kể: “Tối vứt cái que, nắm đũa ra sân, sáng sau mối đùn mất tích”. Làm ruộng vì thế càng gian nan. Khi bông lúa đã kết ngả vàng, phải mau gặt, kẻo trời lại cướp mất trắng tay.

Với cách làm ấy, anh đã cảm hóa được nông dân. Ngay hai vụ đầu ở vùng MaTam đã thành công, năng suất 6,2 rồi 7,3 tấn/ha, gấp đôi năng suất trước đó. Hai vụ tiếp theo về vùng Podor đều đạt 7-8 tấn/ha. Vụ nào có điểm anh chỉ đạo đều được mở hội nghị đầu bờ mời các nơi đến xem, rút kinh nghiệm.

Theo hợp đồng ban đầu với FAO anh chỉ làm 2 năm. Sau đó, vì kỹ thuật anh làm và triển khai đạt năng suất tốt nên anh được FAO mời ở lại làm tiếp 2 năm nữa. Nghe nói hết hợp đồng 2, họ còn muốn mời anh ở lại. Nhưng anh thương vợ con đã 4 năm xa cách, nên quyết định về. Cuộc đời anh, vậy là tự hào có thêm 4 năm cống hiến cho vùng châu Phi nghèo khó.

Cây lúa mang tên Sahel 108 ở Senegal, xưa kia nép mình bên sa mạc, vật lộn nhiều năm để tìm cách nảy nở ở vùng đất cằn cỗi, nay gặp bàn tay, khối óc và tấm lòng của anh cùng đồng nghiệp đã “mở cờ” vươn dậy. Lúc chia tay, nhiều người dân rơi nước mắt. Một nông dân bộc bạch: “Chúng tôi được gặp ông thật đáng quý. Sao ông làm lúa giỏi thế!”.

Nghĩ về anh, người lính giải phóng quân, từng đội mũ tai bèo len lỏi trong rừng Khộp, rừng Le, săn lùng giặc Mỹ; từng giáp lá cà trên chóp Quảng Trị, Triệu Phong, Cửa Việt. Nay anh lại đội chiếc mũ vải rộng vành, lật bật nắng gió châu Phi, kiên trì bảo ban, uốn nắn người nông dân đặt nông cây mạ, phấp phỏng trông chờ cây lúa nở hoa, kết hạt, để những cụ già, những bé thơ đỡ đói lòng.

Anh là người kỹ sư tận tâm, biết truyền tải tri thức vào đất châu Phi, dân đã đón nhận, thực hành thành công và tiếp tục mở rộng. Hôm nay, anh tuổi đã ngoài tám mươi, vợ mất rồi, con cái đều xa. Anh sống một mình, sinh hoạt với bạn tình nghĩa cựu chiến binh, gắn bó cùng nhau trong những ngày tháng cuối đời...

PHẠM NGỌC KHẢNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nguoi-can-man-gieo-hat-giong-o-chau-phi-838711