Thế khó của EU trong đàm phán ngân sách 2.000 tỷ euro
Để đảm bảo tính bền vững, EC đề xuất nguồn thu riêng chiếm khoảng 65 tỷ euro/năm (455 tỷ euro kéo dài suốt giai đoạn 2028-2034), nhằm giảm áp lực lên ngân sách các quốc gia thành viên.

Cờ Liên minh châu Âu (EU) tại trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một tuần sau khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố hướng dẫn ngân sách giai đoạn 2028–2034, các quốc gia thành viên EU đang bước vào vòng đàm phán đầy thách thức.
Trọng tâm là khoản ngân sách khoảng 2.000 tỷ euro (2.350 tỷ USD) sẽ phân bổ cho các chương trình như hỗ trợ kinh tế toàn diện (PAC), chính sách gắn kết nội khối, mục tiêu sinh thái và kiểm soát biên giới.
EC đề xuất lộ trình kéo dài hai năm, nhằm hoàn tất trước khi khung tài chính mới (MFF) có hiệu lực từ năm 2028. Ngân sách này tương đương khoảng 1,26% tổng thu nhập quốc dân (GDP) của EU, tăng nhẹ so với mức 1,13% hiện tại.
Để đảm bảo tính bền vững, EC đề xuất nguồn thu riêng chiếm khoảng 65 tỷ euro/năm (455 tỷ euro kéo dài suốt giai đoạn 2028-2034), nhằm giảm áp lực lên ngân sách các quốc gia thành viên.
Các nguồn thu dự kiến bao gồm: Thuế doanh nghiệp với doanh thu trên 100 triệu euro/năm dự kiến đóng góp khoảng 7,6 tỷ euro/năm; thuế rác thải điện tử dự kiến mang lại khoảng 17 tỷ euro/năm; điều chỉnh thuế bao bì theo lạm phát và tăng thuế tiêu thụ thuốc lá; thuế biên giới carbon (CBAM) và thu thuế từ kiện hàng nhỏ, nhằm bổ sung ngân sách mà không tăng đóng góp quốc gia; loại bỏ chiết khấu thuế giá trị gia tăng (VAT) ở một số quốc gia để tăng nguồn vay cho ngân sách chung.
Ngoài ra, EC đề xuất cấu trúc ngân sách mới gồm bốn trụ cột chính: Kế hoạch đối tác quốc gia-vùng (27 quốc gia riêng biệt), Quỹ Cạnh tranh châu Âu (409 tỷ euro), Quỹ Hành động Toàn cầu (khoảng 200 tỷ euro), và công tác cải tổ hành chính khu vực.
Đề xuất ngân sách mới của EU được xem là mang tính cách mạng. Tuy nhiên, nhiều chính phủ EU đã có phản ứng thận trọng về đề xuất này. Đức, Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển lo ngại tăng ngân sách sẽ ảnh hưởng đến tài chính nội địa.
Nội bộ EC cũng xuất hiện căng thẳng: đề xuất được xây dựng thiếu tổ chức, dẫn đến phản ứng mạnh từ nội bộ và việc hoãn công bố chậm muộn. Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil cảnh báo thuế doanh nghiệp mới có thể tạo nên "tín hiệu sai" gây ảnh hưởng đến đầu tư tại châu Âu.
Đồng thời, Pháp đang chịu sức ép lớn do vị thế ngân sách yếu. Chính phủ của Thủ tướng Chính phủ của François Bayrou đã gửi bản dự toán ngân sách cho Brussels vào mùa Xuân, với mục tiêu đưa thâm hụt xuống dưới mức 3% GDP vào năm 2029.
Tuy nhiên, do không đạt được đa số phiếu thuận tại Quốc hội, Chính phủ Pháp đang gặp khó khăn trong việc thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng trị giá 44 tỷ euro.
Và mặc dù EC đã đình chỉ thủ tục xử lý thâm hụt quá mức đối với Pháp vài tháng trước, nhưng quyết định này vẫn chỉ là tạm thời. Điều đó có nghĩa là uy tín ngân sách của Pháp đang bị Brussels theo dõi rất chặt chẽ sau nhiều năm khó khăn. Sự giám sát này càng làm suy yếu vị thế của Paris trong cuộc đọ sức ngân sách sắp tới./.