Quy định mới về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất
Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất
Hỏi: Từ năm 1988, bố tôi chuyển đến ở mảnh đất đó, bố tôi đã được cấp sổ đỏ một phần đất. Tuy nhiên, do điều kiện ở gần đê nên bố tôi phải bồi đắp, trồng cây, làm hàng rào phần đất phía trước nhà không thuộc sổ đỏ của gia đình. Nay có dự án nhà nước muốn thu hồi phần đất đó, chúng tôi có được bồi thường gì không? Nếu có thì bồi thường như thế nào?
(Nguyễn Bình – Hải Dương)
Ảnh minh họa
Trả lời:
Về việc gia đình có được bồi thường khi nhà nước thu hồi phần đất không thuộc Quyền sử dụng của hộ gia đình hay không?
Trước tiên, xin giải thích để anh hiểu về các quy định bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và các trường hợp được bồi thường theo quy định pháp luật. Bồi thường khi nhà nước thu hồi đất được hiểu đơn giản là việc nhà nước bồi thường cho người sử dụng hợp pháp của diện tích đất bị thu hồi.
Quy định cụ thể được ghi nhận trong luật Đất đai hiện hành như sau:
“Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất.” (Điều 3 Luật Đất đai năm 2013);
Việc bồi thường bao gồm: bồi thường giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản gắn liền với đất, bồi thường thiệt hại về tài sản hoa màu vật nuôi trên đất bị thu hồi; bồi thường thiệt hại về hoạt động sản xuất kinh doanh trên đất bị thu hồi.
Trong trường hợp này, chúng tôi hiểu câu hỏi của khách hàng đang đề cập đến việc liệu gia đình anh có được bồi thường tài sản là hàng rào, tường chắn mà gia đình anh đã xây dựng và hoa màu đã được trồng trên diện tích đất bị thu hồi không?
Việc bồi thường tài sản, cây trồng vật nuôi trên đất bị thu hồi được thực hiện theo nguyên tắc bồi thường đối với thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh tại Mục 3 Chương 6 Luật Đất đai năm 2013: “Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường” (khoản 1 Điều 88).
Nhưng cơ sở để phát sinh nghĩa vụ bồi thường khi thu hồi đất của nhà nước chính là quyền sử dụng đất, nghĩa là Nhà nước có nghĩa vụ bồi thường đối với giá trị quyền sử dụng đất, tài sản và hoa màu trên đất thuộc sử dụng của gia đình anh, ngoài ra không có nghĩa vụ bồi thường đối với tài sản, hoa màu gia đình anh trồng trên diện tích đất không thuộc quyền sử dụng của gia đình.
Về việc gia đình sử dụng diện tích đất không thuộc quyền sử dụng hợp pháp được ghi nhận trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình:
Bên cạnh đó, việc gia đình sử dụng diện tích đất không thuộc quyền sử dụng đất được ghi nhận trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây tường ngăn, rào chắn có thể bị xem xét là hành vi lấn chiếm đất đai, lấn chiếm hành lang an toàn đê (nếu diện tích đất gia đình anh đã sử dụng để trồng hoa màu và xây dựng rào chắn thuộc khu vực hành lang an toàn bảo vệ đê điều vì anh có đề cập thửa đất gia đình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng có vị trí gần kề công trình thủy lợi đê điều). Hành vi lấn chiếm đất đai, lấn chiếm hành lang an toàn của công trình công cộng có thể bị xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai:
Điều 10. Lấn, chiếm đất:
1- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
2- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.
3- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.
4- Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.
5- Biện pháp khắc phục hậu quả: (a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này; (b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này”.
Luật sư Phạm Ngọc Minh
Công ty Luật TNHH Everest (Tổng đài tư vấn 1900 6198)