Quy định mới về chất lượng kỹ thuật gương xe ô tô

Theo quy chuẩn sửa đổi, trên gương ô tô phải có nhãn hiệu hoặc biểu tượng của nhà sản xuất rõ ràng, dễ đọc và khó tẩy xóa...

Bộ GTVT vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01:2024/BGTVT sửa đổi QCVN 33:2019/BGTVT quy định về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đối với gương, camera - màn hình dùng cho xe ô tô, có hiệu lực từ ngày 5/12/2024.

Theo đó, gương sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận theo các quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với linh kiện, phụ tùng xe ô tô.

Quy chuẩn QCVN 01:2024 quy định gương trên ô tô phải có nhãn hiệu hoặc biểu tượng của nhà sản xuất rõ ràng, dễ đọc và khó tẩy xóa (ảnh minh họa)

Quy chuẩn QCVN 01:2024 quy định gương trên ô tô phải có nhãn hiệu hoặc biểu tượng của nhà sản xuất rõ ràng, dễ đọc và khó tẩy xóa (ảnh minh họa)

Điểm đáng chú ý tại Quy chuẩn QCVN 01:2024 đó là quy định kỹ thuật chung, bổ sung nội dung: Trên gương phải có nhãn hiệu hoặc biểu tượng của nhà sản xuất rõ ràng, dễ đọc và khó tẩy xóa. Tất cả các gương phải điều chỉnh được.

Khái niệm về thuật ngữ hệ thống camera-màn hình (CMS) cũng được thống nhất.

Đây là hệ thiết bị dùng để quan sát phía sau, bên cạnh hoặc phía trước xe trong phạm vi quan sát của quy chuẩn này bằng phương pháp kết hợp giữa camera-màn hình.

Trong đó, camera là thiết bị ghi lại hình ảnh của thế giới bên ngoài và sau đó chuyển đổi hình ảnh này thành tín hiệu video còn màn hình (monitor) là thiết bị chuyển đổi tín hiệu thành các hình ảnh được thể hiện trong quang phổ mắt người nhìn thấy được.

Trên hệ thống camera - màn hình phải có nhãn hiệu hoặc biểu tượng của nhà sản xuất. Nhãn hiệu hoặc biểu tượng của nhà sản xuất phải rõ ràng, dễ đọc và khó tẩy xóa.

Như vậy, thuật ngữ camera - màn hình trong Quy chuẩn 33:2019/BGTVT sẽ được thay thế bằng thuật ngữ hệ thống camera-màn hình tại quy chuẩn mới.

Quy chuẩn mới cũng sửa đổi quy định về kiểu loại gương. Trong đó, các gương chiếu hậu được coi là cùng kiểu loại nếu có cùng nhãn hiệu, nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất và không có sự khác biệt về các đặc tính kỹ thuật chính như: Thiết kế của cụm gương bao gồm cả chi tiết liên kết với xe (nếu có); Loại gương, hình dạng gương, kích thước và bán kính cong của bề mặt phản xạ.

Theo quy định tại quy chuẩn mới, tất cả gương dùng cho xe ô tô phải điều chỉnh được (ảnh minh họa).

Theo quy định tại quy chuẩn mới, tất cả gương dùng cho xe ô tô phải điều chỉnh được (ảnh minh họa).

Đối với kiểu loại hệ thống camera - màn hình, Quy chuẩn quy định các hệ thống camera - màn hình được coi là cùng kiểu loại nếu có cùng nhãn hiệu, nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất và không có sự khác biệt về các đặc tính kỹ thuật chính, như: Thiết kế của hệ thống camera - màn hình bao gồm cả chi tiết liên kết với xe (nếu có); loại CMS, phạm vi quan sát, độ phóng đại và độ phân giải.

Lãnh đạo Trung tâm thử nghiệm xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN cho biết, những sửa đổi, bổ sung trên nhằm phù hợp với tình hình thực tế cũng như quy định của Ủy ban Kinh tế Châu Âu, góp phần nâng cao chất lượng phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.

Theo Thông tư 19/2024/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn QCVN 01:2024/BGTVT, đối với hồ sơ thử nghiệm được đăng ký trước ngày thông tư này có hiệu lực (tức ngày 5/12/2024) thì tiếp tục thử nghiệm và chứng nhận chất lượng theo QCVN 33:2019/BGTVT.

Đối với những kiểu loại gương đã được thử nghiệm hoặc chứng nhận theo QCVN 33:2019/BGTVT mà báo cáo thử nghiệm hoặc giấy chứng nhận còn hiệu lực thì không phải thử nghiệm, chứng nhận lại.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quy-dinh-moi-ve-chat-luong-ky-thuat-guong-xe-o-to-192240608140944486.htm