Quy định mới về đào tạo lái xe

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 14/2025 quy định về đào tạo lái xe; bồi dưỡng, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2025.

Linh hoạt hình thức học lý thuyết, thực hành tập trung

Theo đó, Thông tư 14/2025 quy định về đào tạo lái xe; bồi dưỡng, kiểm tra, cấp, cấp lại chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; tiêu chuẩn của cơ sở đào tạo người điều khiển xe máy chuyên dùng thực hiện bồi dưỡng, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và tiêu chuẩn của cơ sở đào tạo lái xe mô tô.

Nội dung, chương trình đào tạo lái xe tại Thông tư 14/2025 không có nhiều thay đổi so với Thông tư 35/2024 (Ảnh minh họa).

Nội dung, chương trình đào tạo lái xe tại Thông tư 14/2025 không có nhiều thay đổi so với Thông tư 35/2024 (Ảnh minh họa).

Thông tư nêu rõ: Đối với người học các hạng mô tô A1, A và B1, nội dung học lý thuyết phải đảm bảo đủ chương trình đào tạo và được lựa chọn một trong hai hình thức: Tự học các môn lý thuyết theo quy định của Chính phủ hoặc học tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe.

Nội dung học thực hành bắt buộc học tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe.

Với các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE, nội dung lý thuyết có thể học theo hình thức tập trung, đào tạo từ xa hoặc tự học có hướng dẫn, theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, nội dung thực hành phải học tập trung tại cơ sở đào tạo.

Cơ sở đào tạo lái xe được yêu cầu xây dựng thời lượng khóa học không quá 90 ngày cho chương trình đào tạo lái ô tô. Thời lượng này căn cứ vào khối lượng chương trình; Phân bổ thời gian theo quy định; Thời gian ôn tập, kiểm tra, nghỉ lễ, Tết; Số học viên tối đa theo nhóm thực hành.

Trên một xe tập lái hạng B: Không quá 5 học viên; Trên xe hạng C1: Không quá 8 học viên.

Quãng đường và thời gian tập lái được tính riêng cho từng học viên, thời gian tập lái trên sân tính cho cả nhóm trên cùng xe tập lái.

Người học sẽ được kiểm tra đánh giá cuối khóa tại cơ sở đào tạo, gồm hai nội dung chính. Cụ thể, về lý thuyết, kiểm tra theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết và mô phỏng các tình huống giao thông, áp dụng thống nhất theo quy trình của Bộ Công an.

Về thực hành, kiểm tra các nội dung lái xe liên hoàn và lái xe trên đường.

Kết quả học tập sẽ được đánh giá và xét hoàn thành khóa học nếu học viên đạt yêu cầu ở tất cả nội dung trên, tương ứng với hạng giấy phép lái xe đăng ký.

Theo Thông tư, khối lượng chương trình và phân bổ thời gian đào tạo tối thiểu các hạng B, C1 như sau:

Nhiều điều chỉnh tạo thuận lợi hơn cho học viên học lái xe

Trao đổi với Báo Xây dựng, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Thông tư số 14/2025 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe có nhiều điều chỉnh kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho người học, nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về chất lượng đào tạo và an toàn giao thông.

Theo ông Thống, ngoài việc bỏ phần sát hạch nội bộ, Thông tư 14/2025 về cơ bản kế thừa quy định tại Thông tư số 35/2024 của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng), bao gồm các nội dung liên quan đến đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong nước và quốc tế; đồng thời quy định về đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 14 là sự điều chỉnh trong quy trình học thực hành với cabin điện tử. Nếu như trước đây, học viên chỉ được học trên cabin điện tử sau khi đã hoàn thành phần học sa hình, thì nay, quy định mới cho phép học cabin điện tử ngay sau khi kết thúc học lý thuyết (số nóng, số nguội).

Điều này có nghĩa, học cabin điện tử có thể diễn ra song song với quá trình học thực hành trên sân tập và học đường trường, thay vì chỉ tập trung vào tháng cuối của khóa học như trước kia. Sự điều chỉnh này giúp các trung tâm đào tạo chủ động giãn tiến độ sử dụng cabin, từ đó giảm áp lực đầu tư thiết bị - nhất là tại các trung tâm có hàng trăm học viên mỗi đợt.

Một điểm mới nữa được nhiều cơ sở đào tạo đánh giá cao là quy định linh hoạt hơn về việc học lái xe trên đường cao tốc và đường cao tốc phân kỳ đầu tư.

Trước đây, quy định yêu cầu học viên bắt buộc phải học thực hành trên cao tốc thật, tuy nhiên, trên thực tế nhiều tỉnh, thành không có tuyến cao tốc nào. Để tháo gỡ vướng mắc này, Thông tư 14/2025 cho phép thực hành nội dung lái xe trên cao tốc có thể được thực hiện qua cabin điện tử hoặc trên thực địa nếu địa phương có cao tốc.

Dù được lựa chọn hình thức đào tạo linh hoạt hơn, nhưng theo ông Thống, các trung tâm vẫn phải đảm bảo đầy đủ số giờ học và số km học trên đường trường theo quy định, đồng thời toàn bộ thời gian và quãng đường học thực hành đều phải được ghi nhận và giám sát qua hệ thống DAT (thiết bị giám sát thời gian và hành trình học lái xe).

Trần Duy

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/quy-dinh-moi-ve-dao-tao-lai-xe-192250714153226162.htm