Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Có chấn chỉnh được tiêu cực? (Bài 2) - Vẫn còn những băn khoăn

Được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng bộ theo tinh thần Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018... Tuy nhiên, Thông tư 29/2024/TT-BGDDT (sau đây gọi tắt là Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) vẫn còn những điểm khiến dư luận băn khoăn về những 'hệ quả' có thể nảy sinh.

Thầy trò Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: Hạ An

Thầy trò Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: Hạ An

Phụ huynh nói gì?

Vui mừng trước quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học tại Thông tư 29, chị Trần Thanh Thảo ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) nêu quan điểm: “Tôi thấy rất phù hợp với thực tiễn. Nhiều phụ huynh lo ngại rằng nếu không cho con đi học thêm ở nhà cô con sẽ chơi điện thoại, xem tivi quá nhiều... Thì đây thuộc về phương pháp giáo dục của gia đình. Phụ huynh nên dành thời gian chơi cùng con, giao thêm bài tập về nhà, “giao khoán” con đọc sách mỗi ngày hoặc cùng con tham gia các hoạt động thể dục, thể thao... như vậy sẽ tốt hơn là “giao phó” hoàn toàn việc học của con cho cô giáo, để con học tập một cách thụ động”.

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Bảo Duy ở phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn) cho rằng: “Không DTHT đối với học sinh tiểu học là rất phù hợp. Trẻ nhỏ cần được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí; cần được rèn luyện phương pháp tự học, tự đọc ngay từ khi còn nhỏ để hình thành thói quen. Xã hội ngày càng văn minh, tôi nghĩ rằng chuyện giáo viên “đì” học sinh vì không đi học thêm ở nhà cô tuy vẫn có, nhưng với quy định mới này sẽ dần bị loại bỏ, trả lại tình cảm trong sáng, sự tôn trọng của phụ huynh, học sinh đối với thầy, cô giáo như truyền thống “tôn sư trọng đạo” vốn có từ ngàn đời nay của dân tộc”.

Anh Bảo Duy cũng cho rằng, thông tư mới quy định về DTHT cũng góp phần ngăn chặn tình trạng “chạy” trường, “chạy” lớp, “chạy” thầy cô.

Tuy vậy, bên cạnh những ý kiến đồng tình, quy định về DTHT tại Thông tư 29 vẫn còn nhiều điểm khiến phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

Chị Nguyễn Quý, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Chương trình học mới rất khác với chương trình cũ, phụ huynh chúng tôi dù có nỗ lực thì không phải ai cũng có thể sát sao, giảng giải cho con những bài Toán, Lý, Hóa... lớp 12. Trong khi các kỳ thi quan trọng thì sắp đến mà việc học thêm tại trường, tại nhà các thầy cô đều đang bị dừng lại khiến tôi thực sự rất lo lắng. Đặc biệt, năm học này là năm đầu tiên khối 12 thi theo chương trình mới, có quá nhiều sự thay đổi sẽ khiến các con hoang mang”.

Một trong những điểm mới tại Thông tư 29 nhận nhiều ý kiến trái chiều nhất có lẽ là quy định: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”. Nhiều phụ huynh cho rằng như vậy chả khác nào yêu cầu giáo viên “bỏ con đẻ để nuôi con nuôi”, bởi lẽ các thầy cô dạy trên lớp chính là những người “theo sát” học trò nhất, nắm bắt được những điểm mạnh, điểm yếu của các con để kịp thời dạy dỗ, uốn nắn; quan tâm, gần gũi, nắm bắt tâm lý học trò để phối hợp cùng gia đình dạy dỗ các con; sự chịu trách nhiệm về mặt chất lượng cũng khác... Do đó, “Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho DTHT tại trường đối với những giáo viên, học sinh có nhu cầu để không lãng phí cơ sở vật chất, trường lớp, vừa không lãng phí chất xám của giáo viên” - nhiều phụ huynh đề xuất.

Tâm tư của nhà trường

Lo ngại về chất lượng giáo dục giảm sút có lẽ là một trong những trăn trở lớn nhất của các nhà trường khi thông tư mới được áp dụng.

Hiệu trưởng Trường THPT Như Xuân (Như Xuân) Lê Ngọc Hải chia sẻ: “DTHT trong nhà trường có ưu điểm là mức thu thấp, phù hợp với hoàn cảnh của đại đa số học sinh hiện nay. Công tác quản lý nền nếp, chất lượng được siết chặt, do đó đã góp phần củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường. Theo thông tư mới việc DTHT trong nhà trường chỉ tổ chức cho các đối tượng theo quy định, đồng nghĩa với việc những học sinh có học lực trung bình và khá nếu có nhu cầu học thêm để nâng cao kiến thức sẽ phải tìm đến các cơ sở ngoài nhà trường với mức phí theo thỏa thuận và chắc chắn sẽ cao hơn so với mức thu của nhà trường. Trong khi đó, không phải nơi nào cũng có các trung tâm dạy thêm để đáp ứng nhu cầu học của học sinh, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, miền núi”.

Thầy Lê Ngọc Hải cũng băn khoăn: “Theo Thông tư 29, việc DTHT trong nhà trường không được phép thu tiền của học sinh. Việc không thu phí đòi hỏi các trường phải tự cân đối ngân sách để tổ chức hoạt động ôn tập cho học sinh, từ đó có thể ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục khác của nhà trường”.

Cùng chung nỗi niềm, nhiều trường học kiến nghị, UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ hoặc bổ sung kinh phí để trả thù lao cho giáo viên thực hiện DTHT, bồi dưỡng năng khiếu, nghệ thuật... cho học sinh trong nhà trường.

Băn khoăn về việc những giáo viên có trình độ, năng lực tốt lại không thể dạy học cho những đối tượng học sinh không thuộc diện tổ chức DTHT trong trường để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thầy giáo Lê Thanh Hà, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Bình Lương (Như Xuân), chia sẻ: “Thông tư mới quy định “giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”, tuy nhiên, tại những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc đầu tư các trung tâm để giáo viên có thể đăng ký dạy thêm sẽ rất khó khăn, như vậy vô hình chung khiến cho giáo viên không thể “gia tăng” thu nhập bằng chính chuyên môn của mình, như vậy liệu có khuyến khích được giáo viên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, tâm huyết với nghề và từ đó người thiệt thòi lại chính là các em học sinh”.

“Lấy nền nếp làm nền tảng, chất lượng giáo dục đại trà làm trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn”, những năm gần đây, Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) đã tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên tâm huyết với nghề; không ngừng đổi mới phương pháp, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Nhà trường luôn nỗ lực theo sát, đôn đốc học trò tích cực học tập, rèn luyện, nhờ đó thứ hạng của trường ngày càng được cải thiện, năm học 2023-2024, nhà trường xếp thứ 12 toàn tỉnh và có tới 85% học sinh khối 12 đậu nguyện vọng 1 trong xét tuyển đại học.

Thầy Nguyễn Anh Thế, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, cho biết: “Nhà trường đã thực hiện quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên theo đúng tinh thần Thông tư 29. Thực tế không thể phủ nhận, để chất lượng giáo dục được nâng lên thì việc tổ chức DTHT trong nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thông tư mới quy định chỉ được phép DTHT đối với những đối tượng được quy định, như vậy sẽ đặt ra bài toán quản lý, chất lượng giáo dục đối với những đối tượng học sinh còn lại khi các em không học thêm trong nhà trường bởi không phải gia đình nào cũng có thời gian, nhân lực quản lý chặt chẽ học sinh tránh khỏi những cám dỗ, cạm bẫy bủa vây trên không gian mạng và trong đời sống thực khi các em không có lịch học chính khóa và không phải học sinh nào cũng tự giác học, có phương pháp học đúng”.

DTHT là nhu cầu có thực của giáo viên và học sinh, tuy nhiên, làm thế nào để quản lý việc DTHT hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục... cần sự phối hợp thực hiện từ nhiều phía.

Hạ An

Bài cuối: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quy-dinh-moi-ve-day-them-hoc-them-co-chan-chinh-duoc-tieu-cuc-bai-2-van-con-nhung-ban-khoan-237902.htm