Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Liệu có đi vào khuôn khổ?

Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm. Nhiều nội dung trong hoạt động dạy thêm, học thêm được quy định cụ thể nhưng để hoạt động này đi vào khuôn khổ, cần được giám sát chặt chẽ hơn nữa.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) xếp hàng vào lớp. Khi nào quy định mới về dạy thêm, học thêm có hiệu lực? Ảnh:Công Nghĩa

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) xếp hàng vào lớp. Khi nào quy định mới về dạy thêm, học thêm có hiệu lực? Ảnh:Công Nghĩa

Có 2 điểm mới nổi bật trong thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, đó là cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học và giáo viên đang dạy học trong nhà trường thì không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa. Bên cạnh đó, giáo viên dạy thêm phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Quy định rõ nhưng quản lý mới khó

Trong nội dung thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm, hoạt động dạy thêm đối với học sinh tiểu học sẽ bị cấm với mục đích góp phần kéo giảm áp lực học tập với học sinh, nhất là tình trạng giáo viên lạm dụng dạy thêm, dẫn đến những biến tướng, tiêu cực trong hoạt động giáo dục. Với học sinh tiểu học, Bộ GDĐT vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống nhằm khuyến khích phát triển năng khiếu của các em.

Việc cấm tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học nhận được nhiều ý kiến đồng tình của phụ huynh lẫn các chuyên gia về giáo dục.

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14-2-2025. Từ mốc thời gian này, giáo viên các trường công lập phải thực hiện theo quy định mới nếu muốn dạy thêm. Các nhà trường cũng phải tăng cường giám sát đối với giáo viên của mình trong hoạt động dạy thêm theo đúng quy định.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh, phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Bình Đa (phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa), cho rằng: “Các cháu đã học 2 buổi/ngày rồi thì không nên học thêm vào buổi tối hay cuối tuần nữa. Thay vào đó, có thể dành thời gian cho học các môn năng khiếu mà các cháu thích, hoặc nghỉ ngơi một cách thoải mái để học tập tốt hơn”.

Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, để chấm dứt chuyện dạy thêm và học thêm đối với cấp tiểu học, nhà trường phải quản lý chặt chẽ với giáo viên. Cần xử lý nghiêm những giáo viên cố tình gây khó dễ, buộc học sinh phải học thêm. Mặt khác, phụ huynh cũng phải ủng hộ quy định này, bởi vẫn còn nhiều phụ huynh có tư tưởng chạy theo thành tích, ép con phải học thêm bằng mọi giá.

Có một thực tế khó ngăn được dạy thêm, học thêm, đó là hiện nhiều trường trung học cơ sở công lập khi xét tuyển vào lớp 6 thường xét kết quả học tập ở bậc tiểu học. Muốn chắc suất trúng tuyển vào lớp 6 công lập thì ở bậc tiểu học, nhiều học sinh phải vừa học chính khóa, vừa học thêm.

Anh Đinh Thế Đồng (ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) cho rằng: “Muốn chấm dứt dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học thì phải có đủ trường lớp tổ chức dạy 2 buổi/ngày, từ đó nâng chất lượng dạy và học, đồng thời phải có đủ trường trung học cơ sở công lập, để khi lên lớp 6, học sinh không bị áp lực bởi xét tuyển và điểm số”.

Cần tăng cường giám sát dạy thêm

Một điểm mới đáng chú ý trong thông tư quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm đó là giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm, tuy nhiên vẫn có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Giáo viên đang dạy học trong nhà trường thì không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa theo kế hoạch dạy học của nhà trường.

Học sinh Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) mới chỉ được học 1 buổi/ngày, buổi còn lại nhiều em được cha mẹ gửi về nhà giáo viên nhờ trông giữ. Ảnh:Công Nghĩa

Học sinh Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) mới chỉ được học 1 buổi/ngày, buổi còn lại nhiều em được cha mẹ gửi về nhà giáo viên nhờ trông giữ. Ảnh:Công Nghĩa

Chị Đặng Thu Thảo, phụ huynh có con học tại Trường trung học phổ thông chuyên Lương Thế Vinh, cho rằng quy định giáo viên đang dạy học trong nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa là khá cứng nhắc.

Theo chị Thảo, nên để phụ huynh được lựa chọn giáo viên dạy thêm thực sự phù hợp mà không phân biệt giáo viên đó có đang trực tiếp dạy học sinh chính khóa hay không. Điều cần là phải giám sát để giáo viên không lạm dụng, hoặc ép buộc học sinh phải học thêm.

Cũng theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, kể từ ngày 14-2-2025, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm. Các thông tin phải công khai gồm: địa điểm, hình thức, thời lượng dạy thêm của từng môn, danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học.

Thông tư còn quy định trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng đối với giáo viên thuộc sự quản lý của mình khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Cụ thể, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm. Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202501/quy-dinh-moi-ve-day-them-hoc-them-lieu-co-di-vao-khuon-kho-06766e7/