Quy định mới về điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản; trong đó có Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Từ 1/3, khung thời gian khai thác cát, sỏi lòng sông từ 5h - 19h. (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn)

Từ 1/3, khung thời gian khai thác cát, sỏi lòng sông từ 5h - 19h. (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn)

Điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản

Nghị định 10/2025/NĐ-CP đã bổ sung Điều 37a Nghị định 158/2016/NĐ-CP về điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản. Theo đó, từ 1/3 các trường hợp được điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản gồm: Trữ lượng khoáng sản sau khi thăm dò nâng cấp từ các khối tài nguyên trong phạm vi Giấy phép khai thác được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức, cá nhân có đề nghị khai thác, thu hồi khoáng sản đi kèm. Khi có sự thay đổi tên tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Khi tổ chức, cá nhân đề nghị thay đổi phương pháp khai thác, công suất khai thác đã xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

Nghị định 10/2025/NĐ-CP nêu rõ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nào thì có thẩm quyền ra quyết định điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản đó. Quyết định điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản là văn bản pháp lý không tách rời của Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trước đó.

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản có nghĩa vụ thực hiện thủ tục về điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công; thủ tục về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có) trước khi đề nghị điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản.

Nghị định 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7 Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm nộp báo cáo. Cụ thể: Trước ngày 1/2 hàng năm, tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản phải nộp báo cáo của năm trước đó quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 158/2016/NĐ-CP cho Sở Tài nguyên và Môi trường nơi hoạt động khoáng sản. Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản theo giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn phải gửi báo cáo về Cục Khoáng sản Việt Nam và Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng đối với loại khoáng sản thuộc thuộc quy hoạch do các bộ quản lý.

Trước ngày 15/2 hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành báo cáo của năm trước đó quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 158/2016/NĐ-CP trình UBND cấp tỉnh, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường và gửi Sở Công Thương, Sở Xây dựng để phối hợp quản lý.

Trước ngày 15/3 hàng năm, Cục Khoáng sản Việt Nam lập báo cáo của năm trước đó quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 158/2016/NĐ-CP trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi bản sao báo cáo cho Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với các dự án có yếu tố đầu tư nước ngoài) để phối hợp quản lý.

Thay đổi khung thời gian khai thác cát, sỏi lòng sông

Nghị định 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Cụ thể, Nghị định 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 9 Nghị định 23/2020/NĐ-CP về nội dung Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông.

Theo quy định mới, giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông phải có nội dung về thời gian được phép hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trong ngày, từ 5 giờ đến 19 giờ; quy định về thời gian khai thác trong năm. Tại Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định khung thời gian khai thác từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm.

Căn cứ vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thời tiết, thủy văn, UBND cấp tỉnh quyết định thời gian khai thác cụ thể đối với từng giấy phép, hồ sơ đăng ký nhưng không vượt quá khung thời gian quy định nêu trên.

Nghị định 10/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 23/2020/NĐ-CP về bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông. Theo đó, khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi phải nằm trong phạm vi cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Về trách nhiệm của UBND các cấp, Nghị định 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 23/2020/NĐ-CP như sau:

UBND cấp tỉnh thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định của Chính phủ và các nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Một trong những trách nhiệm cụ thể của UBND cấp tỉnh là tổ chức đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông để cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn địa phương theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Như vậy, từ 1/3, UBND cấp tỉnh không còn trách nhiệm chủ trì tổ chức đấu giá đối với khối lượng sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thu hồi được từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.

Nghị định 10/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.

Hồng Thương - Quốc Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quy-dinh-moi-ve-dieu-chinh-noi-dung-giay-phep-khai-thac-khoang-san-post538148.html