Quy định mới về hoạt động của Thanh tra giao thông có hiệu lực từ 1/1/2025

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình trả lời kiến nghị cử tri tỉnh này về quy trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Thanh tra giao thông vận tải.

Trước đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình gửi về phản ánh về việc Thông tư 02/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định quy trình thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính; công tác lập kế hoạch, chế độ báo cáo và quản lý nội bộ của thanh tra ngành GTVT đã hết hiệu lực từ ngày 1/3/2024.

Thanh tra GTVT được xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới...

Thanh tra GTVT được xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới...

Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản thay thế khiến lực lượng Thanh tra giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn khi dừng phương tiện vì không có quy trình thực hiện nhiệm vụ.

Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, Luật Đường bộ số 35/2024/QH15, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 tới đây sẽ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Trong đó, không quy định về thẩm quyền dừng phương tiện giao thông đối với Thanh tra đường bộ.

Đối với kiến nghị về việc có hướng dẫn về trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành của lực lượng Thanh tra GTVT, Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, Bộ trưởng Bộ GTVT được giao quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành GTVT thuộc cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành GTVT.

Ngày 1/8/2024, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 29/2024 quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành GTVT; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành GTVT.

Theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022 và điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định số 03/2024/NĐ-CP, Thanh tra Sở là cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực.

"Các hướng dẫn về trang phục, thẻ thanh tra của lực lượng thanh tra các Sở GTVT được quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Thanh tra năm 2022; Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra; Thông tư số 05/2024/TT-TTCP ngày 26/4/2024 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định về mẫu Thẻ thanh tra và việc cấp, quản lý, sử dụng Thẻ thanh tra", Bộ GTVT cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại Điều 83 Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 tới đây, Thanh tra đường bộ có các nhiệm vụ như:

Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ tại đơn vị vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đơn vị thực hiện dịch vụ hỗ trợ vận tải;

Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) đối với xe cơ giới, trừ hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, kiểm định ATKT & BVMT đối với xe của lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về TTATGT đường bộ.

Ngoài ra, sẽ thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quy-dinh-moi-ve-hoat-dong-cua-thanh-tra-giao-thong-co-hieu-luc-tu-1-1-2025-192240817160902577.htm