Quy định mới về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 189/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quy định chi tiết một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh và lực lượng trong bộ máy nhà nước. Đây là văn bản quan trọng, làm rõ giới hạn thẩm quyền của từng cấp, đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện nghiêm minh, đúng pháp luật.
Nghị định nêu rõ thẩm quyền xử phạt hành chính của nhiều đối tượng gồm: Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan chuyên ngành, lực lượng Công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường, cơ quan thuế, kiểm lâm, kiểm ngư, cơ quan thi hành án dân sự, cùng một số chức danh và lực lượng khác.
Về chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu) có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa theo lĩnh vực tương ứng được quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 1 Điều 28 của Luật.
Nghị định số 189/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Ảnh minh họa: laodongthudo.vn
Ở cấp cao hơn, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xử phạt đến mức tối đa, bao gồm các biện pháp như phạt cảnh cáo, tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu phương tiện vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, Giám đốc sở có thẩm quyền phạt tiền đến 80% mức tối đa theo quy định tại Điều 24. Đồng thời được thực hiện đầy đủ các quyền tương tự Chủ tịch UBND tỉnh về tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật, đình chỉ hoạt động và áp dụng các biện pháp khắc phục.
Đáng chú ý, nghị định cũng quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt trong lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, chiến sĩ công an đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10% mức tối đa trong lĩnh vực tương ứng; đồng thời có thể tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm nếu giá trị không vượt quá 2 lần mức phạt tiền.
Trưởng công an cấp xã có thẩm quyền tương đương Chủ tịch UBND cấp xã, gồm phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50% mức tối đa, tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Với các lực lượng chuyên biệt trong Công an, trưởng công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh nội địa, trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh cấp tỉnh có thẩm quyền phạt tiền đến 80% mức tối đa, cùng với các quyền như tước giấy phép, đình chỉ hoạt động và tịch thu phương tiện vi phạm. Đặc biệt, trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh còn có quyền ra quyết định trục xuất đối với trường hợp vi phạm pháp luật về cư trú, xuất nhập cảnh.
Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền cao nhất trong Công an cấp địa phương: Phạt đến mức tối đa, thực hiện tất cả các hình thức xử phạt hành chính bao gồm trục xuất và biện pháp khắc phục hậu quả.
Nghị định cũng đề cập đến thẩm quyền xử phạt đầy đủ của các cục trưởng thuộc Bộ Công an, gồm: Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh kinh tế, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường, Cục Cảnh sát giao thông, Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, An ninh mạng, Thi hành án hình sự tại cộng đồng… Các cục trưởng này đều có quyền xử phạt cảnh cáo, phạt tiền đến mức tối đa theo lĩnh vực, tước giấy phép, tịch thu phương tiện vi phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng.
Ngoài ra, tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư cũng có thẩm quyền tương tự trong lĩnh vực mình quản lý.
Việc ban hành Nghị định 189/2025/NĐ-CP nhằm cụ thể hóa Luật Xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng tính minh bạch trong phân cấp xử phạt hành chính, đồng thời nâng cao trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong xử lý vi phạm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.