Vụ án Phúc Sơn: Bị cáo Nguyễn Văn Hậu lĩnh án 30 năm tù, khắc phục thừa tiền thi hành án
Theo tòa án, hành vi phạm tội của các bị cáo không bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu; gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, đến việc huy động các nguồn lực xã hội; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước...

Các bị cáo tại tòa.
Ngày 11/7, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với đối với bị cáo Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và 40 bị khác trong vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan một số địa phương.
NGUYỄN VĂN HẬU LĨNH ÁN 30 THÁNG TÙ
Tòa án xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Hậu 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; 9 năm tù tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 14 năm tù tội Đưa hối lộ. Tổng cộng bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.
Nhóm tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tòa phạt bị cáo Nguyễn Thị Hằng (cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn) 4 năm 6 tháng; Đỗ Thị Mai (cựu Kế toán trưởng Tập đoàn Phúc Sơn) 4 năm; Hoàng Thị Tuyết Hạnh (cựu kế toán Tập đoàn Phúc Sơn) 2 năm tù; Nguyễn Hồng Sơn (cựu trưởng Phòng kinh doanh Tập đoàn Phúc Sơn) 2 năm tù; Trần Hữu Định (cựu Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Á Group) 3 năm tù.
Bị cáo Đặng Trung Hoành (cựu Chánh Văn phòng huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) lĩnh 30 tháng tù tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Nhóm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Phạm Ngọc Cương (cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn) 6 năm tù; Đỗ Hữu Vinh (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn) 5 tù; Phan Văn Vị (cựu Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng Tập đoàn Phúc Sơn) 4 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Đỗ Ngọc Hóa (cựu Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn APEC); Nguyễn Minh Ân (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Vạn An - Hà Nội) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Bị cáo Bùi Minh Hồng (cựu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lĩnh 4 năm tù; Hoàng Quốc Trị (cựu Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) 3 năm 6 tháng tù.
Ngoài ra, tòa án phạt các bị cáo phạm tội Nhận hối lộ từ 4 năm – 14 năm tù và mức án từ 30 tháng tù treo – 30 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; xâm phạm đến uy tín, danh dự của các cơ quan, tổ chức liên quan, gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.
Ngoài ra, các hành vi phạm tội không bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu; gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, đến việc huy động các nguồn lực xã hội; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.
“Hành vi của các bị cáo gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội, là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và cách hành xử của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nguyên là các lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, làm mất niềm tin, uy tín của Đảng và các cấp chính quyền…”, tòa án nhân định.
BỊ CÁO HẬU KHẮC PHỤC THỪA SỐ TIỀN NGHĨA VỤ PHẢI THI HÀNH
Về trách nhiệm dân sự, nguyên tắc chung là các bị cáo cùng thực hiện hành vi phạm tội thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường. Tuy nhiên, tòa án xác định, bị cáo Hậu là người sử dụng toàn bộ số tiền hưởng lợi, do đó buộc bị cáo Hậu chịu trách nhiệm chính.
Tòa án ghi nhận, bị cáo Hậu và Tập đoàn Phúc Sơn đã khắc phục được hơn 880 tỷ đồng và 316.800 USD. Ngoài ra, bị cáo Hậu còn đề nghị được sử dụng 501 lượng vàng đã bị thu giữ và số tiền hơn 285 tỷ đồng đang bị phong tỏa trong các tài khoản để tiếp tục khắc phục hậu quả.
Như vậy, tòa án xác định bị cáo Hậu khắc phục tổng cộng 1.179 tỷ đồng, thừa so với nghĩa vụ phải thực hiện (1.164 tỷ đồng).
Liên quan số tiền 718 tỷ đồng Tập đoàn Phúc Sơn nộp ngày 3/7, tòa án nhận định đây là số tiền dựa trên văn bản thỏa thuận giữa bị cáo Hậu, Tập đoàn Phúc Sơn và ông Trần Công Bình cam kết chuyển nhượng 196 thửa đất không thuộc danh sách bị kê biên. Các bên tự thỏa thuận, tự đảm bảo, tự chịu trách nhiệm về các tài sản đảm bảo.
Theo tòa án, thỏa thuận này phù hợp với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát. Để ưu tiên thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước, Hội đồng xét xử đề nghị gỡ bỏ hạn chế giao dịch để đảm bảo quyền lợi của các bên.
Tòa án yêu cầu tịch thu 4 thửa đất của bị cáo Hoành và tiếp tục phong tỏa 25 tài khoản/sổ tiết kiệm của bị cáo Hậu để tiếp tục thi hành án. Yêu cầu gỡ bỏ mọi phong tỏa, kê biên, hạn chế giao dịch tài sản của các bị cáo khác. Ngoài ra, tòa án buộc sung công quỹ nhà nước số tiền các bị cáo hưởng lợi bất chính và nhận hối lộ hơn 130 tỷ đồng.