Quy định mức phạt lỗi quá tốc độ mới theo từng mức độ, người dân cần lưu ý

Điều khiển ô tô, xe máy chạy quá tốc độ quy định là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Giao thông đường bộ 2008. Nếu vi phạm lỗi quá tốc độ sẽ bị xử phạt theo quy định.

Khoản 11, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, điều khiển ô tô, xe máy chạy quá tốc độ là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu vi phạm lỗi quá tốc độ sẽ bị xử phạt theo quy định.

Cụ thể: Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 123/2012/NĐ-CP) thì mức phạt đối với hành vi điều khiển xe cơ giới giao thông chạy quá tốc độ được quy định như sau:

Mức phạt lỗi quá tốc độ với ô tô

- Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm a, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm i, Khoản 5, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi tại Điểm đ, Khoản 34, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng (Điểm b, Khoản 11, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP);

- Phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h (Điểm a, Khoản 6, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-4 (Điểm c, Khoản 11, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h (Điểm c, Khoản 7, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng (Điểm c, Khoản 11, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, điều khiển ô tô, xe máy chạy quá tốc độ là hành vi bị nghiêm cấm. Ảnh minh họa: TL

Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, điều khiển ô tô, xe máy chạy quá tốc độ là hành vi bị nghiêm cấm. Ảnh minh họa: TL

Mức phạt lỗi quá tốc độ với với mô tô, xe gắn máy

- Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm c, Khoản 2, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Điểm k, Khoản 34, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)).

- Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm a, Khoản 4, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Điểm g, Khoản 34, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)).

- Phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h (Điểm a, Khoản 7, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng (Điểm c, Khoản 10, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Mức phạt lỗi quá tốc độ với máy kéo, xe máy chuyên dùng

- Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến 10km/h (Điểm a, Khoản 3, Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h (Điểm a, Khoản 4, Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1-3 tháng (Điểm a, Khoản 10, Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h (Điểm b, Khoản 6, Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2-4 tháng (Điểm b, Khoản 10, Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Vi phạm vượt quá tốc độ người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị xử phạt theo quy định. Ảnh minh họa: TL

Vi phạm vượt quá tốc độ người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị xử phạt theo quy định. Ảnh minh họa: TL

Những trường hợp nào không bị hạn chế tốc độ theo quy định?

Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008:

"Quyền ưu tiên của một số loại xe

1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

2. Xe quy định tại các Điểm a, b, c và d, Khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên".

Theo quy định nêu trên, những loại xe không bị hạn chế tốc độ gồm có:

- Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

- Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

- Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Theo đó, các xe trên khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chạy quá tốc độ là bao lâu?

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Điểm a, Khoản 4, Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính như sau:

"Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:

Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế".

Căn cứ theo quy định nêu trên, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với xe ô tô chạy quá tốc độ là 01 năm.

Tốc độ tối đa là gì?

Tốc độ tối đa là tốc độ mà người tham gia giao thông được phép đi trong giới hạn cho phép mà pháp luật quy định. Có thể thấy, người tham gia giao thông không được vượt biển giới hạn về tốc độ cho phép.

Hành vi vượt quá tốc độ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ vào tốc độ đi so với tốc độ giới hạn sẽ là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/quy-dinh-muc-phat-loi-qua-toc-do-theo-tung-muc-do-nguoi-dan-can-luu-y-172231215085908226.htm