Quy định pháp luật về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay và ngày càng trở nên tinh vi, khó đoán. Vậy, tội 'Làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tài sản' sẽ bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật hiện hành?

Đối tượng cùng các tang vật liên quan đến hành vi làm giấy tờ giả (Ảnh: L.N.)

Đối tượng cùng các tang vật liên quan đến hành vi làm giấy tờ giả (Ảnh: L.N.)

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa, Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 đối tượng liên quan vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản..

Các đối tượng trong vụ án gồm: Đàm Đình Phú (SN 1993, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Đoàn Duy Thái (SN 1997, trú tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương), Nguyễn Ngọc Lân (SN 1989, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Đỗ Văn Hoàng (SN 1998, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Nguyễn Hữu Nam (SN 1994, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội) và Phạm Văn Quý (SN 1993, trú tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).

Qua công tác nắm tình hình, Công an quận Đống Đa phát hiện đường dây làm giả con dấu, tài liệu và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Trong đó có tình trạng làm giả con dấu và các tài liệu trong lực lượng công an và quân đội. Xác định tính chất nghiêm trọng, nhạy cảm của vụ án, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an và quân đội, Công an quận Đống Đa đã khẩn trương điều tra, qua đó làm rõ và triệu tập 6 đối tượng trên đến trụ sở làm việc.

Theo điều tra, vào tháng 7/2024, Đàm Đình Phú quen biết một đối tượng qua nhóm "Hỗ trợ vay vốn nợ xấu" trên Facebook có thể làm giả các giấy tờ trong ngành công an và quân đội (Giấy chứng minh Công an Nhân dân, Thẻ sĩ quan quân đội, Giấy xác nhận đơn vị công tác và quyết định nâng lương thăng cấp bậc hàm...) để vay tiền tại các ngân hàng.

Sau đó, Phú đăng tải các bài viết với nội dung nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu lên mạng xã hội. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu khách cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ như Căn cước công dân, Giấy chứng minh công an Nhân dân, Thẻ sĩ quan quân đội. Sau khi các giấy tờ được làm giả hoàn tất, các đối tượng sẽ liên hệ nhân viên ngân hàng để làm thủ tục vay tiền.

Cuối tháng 8/2024, Phú thuê một căn nhà mở văn phòng tư vấn cho vay và lôi kéo Thái về làm cùng. Từ đây, Phú đã chủ động làm giấy tờ giả. Thái có nhiệm vụ soạn thảo các văn bản như giấy xác nhận đơn vị công tác, sửa quyết định nâng lương thăng cấp bậc hàm, đặt làm các biển tên trong ngành công an và quân đội, tìm khách hàng cần vay tiền để làm giả hồ sơ. Về việc giả các chữ ký của người có thẩm quyền thì Phú và Thái là người thay nhau ký.

Quá trình thực hiện hành vi, Phú cùng đồng bọn đã làm giả và sử dụng 7 bộ hồ sơ để vay tiền tại ngân hàng. Hiện vụ án đang tiếp tục được mở rộng.

Trước đó, tháng 3/2024, Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố và bắt tạm giam nhóm 4 đối tượng, bao gồm Nguyễn Văn Thuật, Ngô Anh Tuấn, Lê Thanh Hải và Nguyễn Đức Vượng. Nhóm này đã lập ra nhiều hồ sơ yêu cầu bồi thường giả, sau đó lừa đảo chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng từ các công ty bảo hiểm.

Còn tại tỉnh Hòa Bình, tháng 1/2024, Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử bị cáo Nguyễn Công Vận về tội "Làm giả con dấu" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bán cho nhiều người, chiếm đoạt tổng cộng hơn 1,54 tỷ đồng.

Hay mới đây, tháng 9/2024, Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu đặc biệt lớn, thu lợi bất chính khoảng 40 tỷ đồng. Các đối tượng đã sản xuất và bán gần 30.000 giấy tờ giả các loại trên địa bàn 62/63 tỉnh, thành phố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội.

Những vụ việc trên cho thấy tình trạng làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp trong năm 2024, đòi hỏi cơ quan chức năng và người dân cần nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

Liên quan đến hành vi làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm; tợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Như vậy, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, người phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quy-dinh-phap-luat-ve-hanh-vi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-401963.html