Quy định pháp lý mới sẽ hỗ trợ trái phiếu doanh nghiệp 'bớt nóng'
Trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục là kênh huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp trong năm 2021 và thời gian tới. Thị trường này vẫn sẽ sôi động, nhưng 'độ nóng' có thể giảm bớt, do các quy định pháp lý liên quan đã có sự thay đổi theo hướng cụ thể và mang tính chiều sâu hơn.
Các ngân hàng sẽ giảm đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp
Theo các chuyên gia của FiinGroup, tín dụng ngân hàng trung và dài hạn khó có dư địa tăng trưởng mạnh để đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp. Do đó, việc tiếp tục tìm kiếm đến nguồn vốn dài hạn từ kênh trái phiếu là điều sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2021. Trong xu hướng chung nhằm đảm bảo an toàn và sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng dự kiến năm 2021 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 12 - 14% như trong 3 năm qua. Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn nhiều hơn, còn kênh tín dụng trung và dài hạn sẽ hướng đến kênh Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và phát hành trên thị trường cổ phiếu.
Các chuyên gia của FiinGroup cho rằng, mặc dù các ngân hàng thay vì đẩy mạnh cho vay dài hạn cũng đã gia tăng danh mục đầu tư TPDN, tuy nhiên các quy định mới gần đây của Ngân hàng Nhà nước đã làm hạn chế hoạt động này. Thực tế, tỷ trọng danh mục đầu tư TPDN tại tháng 9/2020 chiếm 7,12% dư nợ cho vay tín dụng của ngân hàng và đang có xu hướng giảm.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Tú – Chuyên gia phân tích cao cấp của Công ty Chứng khoán SSI, dù các ngân hàng thương mại (NHTM) gia tăng đầu tư TPDN trong năm 2020, nhưng tỷ trọng sở hữu TPDN của các ngân hàng này nhiều khả năng sẽ giảm xuống khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành thông tư quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD) mua, bán TPDN, hiện dự thảo đã được công bố để lấy ý kiến.
Dự thảo quy định TCTD không được mua trái phiếu của tổ chức phát hành có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các TCTD); không được mua lại trái phiếu đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán TPDN cho các công ty con.
“Theo định hướng, các NHTM sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và TPDN sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp. Việc các NHTM cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư TPDN cũng sẽ hạn chế hơn” – bà Nguyễn Thị Thanh Tú cho hay.
Thay đổi sẽ giúp thị trường “bớt nóng”
Nhận định về thị trường năm 2021, các chuyên gia của FiinGroup đã cho rằng, hoạt động của thị trường TPDN vẫn sẽ sôi động, nhưng về quy mô sẽ khó đạt được giá trị phát hành như năm 2020. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Tú cũng cho hay, so với năm 2020, sức mua của các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân sẽ giảm bớt, do không ít nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo đó năm 2021, cùng với Luật Chứng khoán 2019, một loạt văn bản pháp luật liên quan đến thị trường TPDN cũng được ban hành và có hiệu lực, bao gồm: Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ; Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Thông tư 122/2020/TT-BTC hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định tại Nghị định 153.
Có thể thấy, các quy định về điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ gây cản trở nhiều nhất tại Nghị định 81/2020/NĐ-CP (dư nợ TPDN ≤ 5 lần vốn chủ; các đợt phát hành cách nhau 6 tháng) đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, điều kiện về nhà đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với tất cả các loại hình TPDN (không chuyển đổi, chuyển đổi, kèm chứng quyền) sẽ làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận TPDN của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Cụ thể hơn, theo Điều 11 của Luật Chứng khoán thì nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đáp ứng một trong các các yêu cầu: ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính/bảo hiểm/chứng khoán/quản lý quỹ,… ; công ty có vốn điều lệ đã góp đạt 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết; người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết từ 2 tỷ đồng trở lên theo xác nhận của công ty chứng khoán; cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất từ 1 tỷ đồng trở lên,…
Cũng theo quy định mới, xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là yêu cầu bắt buộc với các giao dịch mua và có hiệu lực trong vòng 1 năm kể từ thời điểm được xác nhận. Các giao dịch bán TPDN phát hành riêng lẻ không cần xác nhận này.
Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
“Mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp (chỉ từ 4,5% - 5,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng) dự kiến vẫn tiếp tục duy trì ít nhất là trong nửa đầu năm 2021 và có thể chỉ nhích nhẹ vào nửa cuối năm. Ở mức lãi suất này, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn từ 2 - 5%/năm so với tiền gửi nên vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Môi trường lãi suất thấp vẫn là động lực cơ bản thúc đẩy cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tú - chuyên gia phân tích SSI.