Quy định rõ hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Đây là một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm tại cuộc họp thẩm định Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) diễn ra ngày 3/1 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh. Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo có ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Một trong những bất cập của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 là chưa bao phủ hết các đối tượng tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thực tế như cán bộ khối y tế dự phòng, cử nhân sinh học tham gia xét nghiệm… gây khó khăn cho người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế.
Để khắc phục hạn chế này, Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ không quy định đối tượng phải cấp chứng chỉ hành nghề theo bằng cấp đào tạo mà chỉ quy định chức danh chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề sau đó giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện và văn bằng chuyên môn tương ứng với từng chức danh chuyên môn, cụ thể như: Bác sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, cấp cứu viên ngoại viện, lương y....
Liên quan tới nội dung này, bà Vũ Thị Bình Minh, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội thuộc Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định việc phải có chứng chỉ hành nghề là rất quan trọng, tuy nhiên cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cấp chứng chỉ hành nghề với đội ngũ khác như cử nhân tâm lý, phục hồi chức năng. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần có những quy định đặc thù đối với những người hành nghề khám chữa bệnh với mục đích trao đổi chuyên môn, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh vì mục đích nhân đạo.
Đối với hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 chưa bao quát hết các hình thức trong thực tế hoặc mới phát sinh nên còn gặp nhiều khó khăn khi cấp giấy phép hoạt động cho các hình thức này. Do vậy, Dự thảo Luật quy định việc cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như cơ sở giám định y khoa, bệnh xá của lực lượng Công an nhân dân, trung tâm y tế huyện….được quy nạp theo một trong các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương ứng quy định tại Luật này.
Về vấn đề này, Bộ Công an tỏ ra băn khoăn bởi hiện nay Bộ có hơn 200 cơ sở y tế, 19 bệnh viện với những đặc thù riêng như: có hơn 100 cơ sở y tế của trại tạm giam, trại giam; còn tình trạng “bao cấp” khám chữa bệnh vì bệnh nhân không có bảo hiểm y tế… Do vậy, việc cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở y tế này như thế nào và có nên quy định đặc thù trong việc đào tạo, cấp chứng chỉ cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng làm tại các cơ sở này?
Còn đại diện Cục Quân y, Bộ Quốc phòng cũng nêu lên các đặc thù của ngành quân y như: nhiều loại hình cơ sở khám chữa bệnh đặc thù (bệnh xá, tổ quân y, bệnh viện dã chiến…); đội ngũ đặc thù (y sĩ); kiến thức đặc thù (y học quân sự)… do vậy đề nghị dự thảo Luật giao Bộ Quốc phòng cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng để đảm bảo hiệu quả quản lý.
Sau khi lắng nghe các ý kiến và giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh đây là dự thảo Luật quan trọng, tác động trực tiếp đến tất cả người dân. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ y tế cho người dân và đồng bộ với các quy định pháp luật khác như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tiền lương, ngân sách nhà nước, đầu tư công, luật thuế, đất đai, giá dịch vụ… Thứ trưởng yêu cầu cần rà soát kỹ để quy định chặt chẽ các hành vi bị nghiêm cấm trong nghề y; làm rõ các hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ đảm bảo đúng theo quy định của Luật giá…