Quy định tiền điện tử mới của Nga là một 'trò xiếc', về cơ bản vẫn là 'lệnh cấm hoàn toàn'
Dù cố gắng đến đâu, các nhà lập pháp Nga cũng không thể giải quyết vấn đề liên quan đến quy định tiền điện tử mà không cấm các loại tài sản kỹ thuật số.
Thứ Sáu tuần trước, Cả Bộ Tài chính Nga (Minfin) và ngân hàng trung ương đã tiết lộ quy định riêng của họ dành cho thị trường tiền điện tử. Trong khi dự luật của Minfin cho thấy việc nới lỏng chính sách đối với các nhà đầu tư tiền điện tử, ngân hàng trung ương lại tiếp tục đề xuất tiền điện tử là tài sản bất hợp pháp dưới mọi hình thức và áp dụng các khoản tiền phạt khổng lồ để xử lý chúng.
Maria Stankevich, giám đốc phát triển tại sàn giao dịch tiền điện tử EXMO, nói với RBC rằng:
“Gần đây, tình hình quy định về tiền điện tử tại Nga khá giống “rạp xiếc”. Đầu tiên, ngân hàng trung ương muốn cấm mọi thứ, sau đó Tổng thống Vladimir Putin lại lên tiếng cho biết một dự luật do Bộ Tài chính chuẩn bị được ban hành”.
Ý kiến đa chiều
Stankevich giải thích thêm rằng, các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước đã tích cực thảo luận về các khả năng và thủ tục được áp dụng ở các quốc gia khác, so với hạ viện của Quốc hội Liên bang để cải thiện dự thảo luật hiện có.
Stankevich cho biết thêm:
“Và sau đó ngân hàng trung ương công bố một tài liệu khác đề xuất cấm mọi thứ, cùng với án phạt rất nặng. Không ai trong ngân hàng trung ương thật sự hiểu biết về thị trường tiền điện tử. Như mọi khi, Vladimir Putin sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Nhưng ông ấy đã từng nêu rõ quan điểm của mình, nên Bộ Tài chính sẽ là người giành chiến thắng”.
Đề xuất của Minfin có thực sự tốt hơn?
Về lý thuyết, dự thảo của Minfin có vẻ thoải mái hơn một chút cho những người đam mê tiền điện tử. Theo đó, tiền điện tử ít nhất sẽ có khả năng tồn tại như một công cụ đầu tư, mặc dù các khoản thanh toán bằng tài sản kỹ thuật số vẫn là hành vi bất hợp pháp.
Tuy nhiên, ngay cả với mục đích đầu tư, dự luật của Minfin cũng áp đặt những giới hạn hà khắc. Đối với những người mới bắt đầu, ngay cả những người dùng nhỏ lẻ vượt qua thành công một số “bài kiểm tra” đặc biệt, để chứng minh kiến thức của họ về tiền điện tử, sẽ không thể đầu tư hơn 600.000 rúp (khoảng 7.600 USD) một năm vào tài sản kỹ thuật số. Trong khi đó, những người không thể vượt qua bài kiểm tra này sẽ chỉ có thể đầu tư tối đa 50.000 rúp (630 USD) vào tiền điện tử mỗi năm.
Nikita Soshnikov, giám đốc sàn giao dịch tiền điện tử Alfacash, nói rằng:
“Yêu cầu này là điều dễ hiểu, do các cơ quan tài chính đang cố gắng bảo vệ người Nga khỏi các khoản đầu tư hấp tấp vào tiền điện tử và những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến các khoản đầu tư đó. Nhưng mặt khác, giới hạn 50.000 rúp có vẻ quá nghiêm ngặt”.
Ưu ái các tổ chức đầu tư
Soshnikov nói thêm rằng, thực sự không rõ tại sao các nhà đầu tư nhỏ lẻ vượt qua kiểm tra lại không thể đầu tư hơn 7.600 USD vào tiền điện tử hàng năm. Trong khi đó, các khoản đầu tư vào cổ phiếu do các công ty Nga phát hành, không phải tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt như vậy.
Trong những ngày gần đây, cổ phiếu của các công ty cũng thể hiện sự biến động mạnh mẽ vì chúng chịu nhiều rủi ro địa chính trị. Soshnikov cũng thắc mắc về việc những giới hạn này không được áp đặt đối với các nhà đầu tư và pháp nhân đủ điều kiện, có vẻ chính phủ có phần thiên vị dành cho các tổ chức đầu tư trên thị trường tiền điện tử.
Đương nhiên, các hạn chế do Minfin đề xuất không kết thúc ở đó. Ngoài các yêu cầu khắt khe về quy trình xác minh danh tính của khách hàng, tất cả các sàn giao dịch tiền điện tử sẽ phải tiến hành khai báo với cơ quan đăng ký chuyên biệt và nhận được giấy phép tương ứng từ cơ quan được ủy quyền.
“Về cơ bản là một lệnh cấm hoàn toàn”
Sergey Mendeleev, Giám đốc điều hành của nhà cung cấp dịch vụ tài chính InDeFi Smartbank, tỏ ra khá bất bình trước dự luật. Ông nhấn mạnh rằng, hiện tại, đề xuất của Minfin hầu như không khác gì một lệnh cấm hàng loạt đối với tiền điện tử.
Ông nói: “Bất kỳ ai cũng hiểu rằng, về cơ bản, đó là một lệnh cấm hoàn toàn, không có sự khác biệt nào giữa các đề xuất do ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính soạn thảo. Cả hai đều khiến các hoạt động liên quan đến tiền điện tử trở nên bất khả thi tại Liên bang Nga”.
Mendeleev mỉa mai thêm:
“Các lệnh cấm ngu ngốc được ban hành bởi Roskomnadzor đã dẫn đến thực tế là bất kỳ ai cũng biết cách sử dụng VPN và TOR. Do vậy, các biện pháp liên quan đến tiền điện tử sẽ chỉ góp phần vào việc hình thành thị trường phi tập trung thực sự và càng chứng minh sự lỗi thời của các ngân hàng tiền pháp định đang tồn tại trong nhiều thập kỷ qua”.