Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 11/2024/QĐ-UBND về quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/4/2024, thay thế Quyết định 24/2022/QĐ-UBND ngày 13/6/2022 của UBND tỉnh quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Quy định này áp dụng đối với các trường tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT, các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo quy định này, tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp với đặc điểm KT-XH của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục. Cụ thể, đối với tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm KT-XH của địa phương: Yêu cầu cấu trúc sách giáo khoa được thiết kế theo hướng mở, tạo điều kiện để cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục 1 hoặc 2 buổi/ngày.

Nội dung sách giáo khoa đảm bảo chính xác, có tính kế thừa, ngôn ngữ gần gũi, trong sáng, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, cách thức thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương; có thể điều chỉnh để phù hợp với khả năng, điều kiện học tập của nhiều nhóm đối tượng học sinh. Chất lượng sách giáo khoa phải đảm bảo sử dụng lâu dài và có mức giá hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh.

Đối với tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục: Yêu cầu các bài học/chủ đề được thiết kế, trình bày khoa học với các hoạt động học tập phong phú, có nội dung liên môn, tích hợp gắn kết với thực tiễn cuộc sống, tạo thuận lợi cho giáo viên triển khai hình thức, phương pháp dạy học tích cực; giúp học sinh xác định được mục tiêu học tập, các yêu cầu cần đạt, phát triển các kỹ năng nhận thức, tư duy, thực hành, hợp tác, làm việc nhóm, vận dụng kiến thức mới thông qua các nhiệm vụ học tập.

Nội dung sách giáo khoa tạo điều kiện để cơ sở giáo dục, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Hình thức sách giáo khoa được trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, có tính thẩm mỹ cao, tạo hứng thú cho học sinh.

Sở GD&ĐT có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh lựa chọn sách giáo khoa, sử dụng sách giáo khoa theo quy định; báo cáo Bộ GD&ĐT về danh mục sách giáo khoa được lựa chọn và cung cấp thông tin bằng văn bản cho các tổ chức, nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn về danh mục, số lượng sách giáo khoa mỗi tổ chức, nhà xuất bản cần cung ứng cho các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương cùng thời điểm công bố danh mục sách giáo khoa được phê duyệt theo Điều 10 Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng GD&ĐT hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; bảo đảm kinh phí để các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

(PYP)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/314524/quy-dinh-tieu-chi-lua-chon-sach-giao-khoa.html