Quy định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp trong việc đảm bảo điện an toàn, liên tục

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về các vấn đề kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025; dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Cán bộ điện lực kiểm tra thiết bị trước khi đóng điện, đưa vào vận hành máy biến áp T2 trạm biến áp 110kV Phả Lại. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Cán bộ điện lực kiểm tra thiết bị trước khi đóng điện, đưa vào vận hành máy biến áp T2 trạm biến áp 110kV Phả Lại. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Đánh giá đúng để có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp

Thảo luận tại tổ, các ý kiến cho rằng, nền kinh tế đã hồi phục tích cực, lấy được đà tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Lạm phát và tình hình bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn cao, nhà tạm, nhà dột nát còn. Chính phủ phát động phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025 bằng việc cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương và địa phương để thực hiện việc này; Đồng thời cho phép chuyển nguồn kinh phí năm 2024 chưa sử dụng hết sang năm 2025 tiếp tục thực hiện; cho phép các địa phương được xử dụng khoản cắt giảm, tiết kiệm này để hỗ trợ địa phương khác triển khai thực hiện.

Về thị trường lao động, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) phân tích, tỷ lệ có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỉ trọng lớn 64,6%, công việc không ổn định, quyền lợi người lao động về an sinh xã hội chưa được đảm bảo so với khu vực phi chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi là 7,92%, gấp 3,53 lần tỉ lệ thất nghiệp chung của lao động trong độ tuổi (2,26%). Nhóm thất nghiệp này tập trung chủ yếu ở nông thôn và vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, thời gian tới, cần nhiều giải pháp, chính sách để khắc phục những khó khăn trên, đặc biệt, kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ đã ban hành quá lâu không phù hợp với sự phát triển kinh tế hiện nay.

Đồng tình các giải pháp kinh tế - xã hội cho năm 2025, theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre), cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” nhằm tăng cường sự chủ động, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Tuy nhiên, để các địa phương thực hiện tốt chủ trương này, rất cần cơ chế, chính sách rõ ràng và nguồn lực đi kèm.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương quan tâm rà soát, ban hành, sửa đổi các chính sách, quy định pháp luật để hoàn thiện thể chế, chính sách thật sự đồng bộ, đầy đủ, rõ ràng giúp cho các địa phương an tâm quyết, làm và chịu trách nhiệm.

Trung ương cần tạo điều kiện cho địa phương có không gian, điều kiện để tăng thu ngân sách, tạo ra nguồn lực để đảm bảo cho các quyết sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có thể làm được, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Đặc biệt là cần có các hướng dẫn để địa phương thực hiện tốt các nguồn thu từ đất đai, hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, dịch vụ và từ các tiềm năng kinh tế tự tạo của địa phương.

Đại biểu tỉnh Bến Tre đề nghị Chính phủ cần đánh giá đúng năng lực hấp thu, năng lực tổ chức thực hiện của các cấp thực thi vì trong cùng một một thời gian xác định, chúng ta ban hành, triển khai nhiều chương trình, dự án trọng điểm quốc gia như hạ tầng, nhà ở xã hội, chuyển đổi số… nên năng lực hấp thu và tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở khó thực thi đồng loạt, có độ trễ nhất định. Chính vì vậy, Chính phủ cần phải đánh giá đúng để có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp để các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án được ban hành phải được tổ chức thực hiện đảm bảo về điều kiện thực hiện, nguồn lực, tiến độ và chất lượng trong một giai đoạn.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, trong đó tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: Các gói tín dụng phù hợp cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu; Tháo gỡ cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực lớn đang gặp khó khăn như bất động sản, năng lượng. Các dự án đầu tư xây dựng về nhà ở, về năng lượng tái tạo đã hoàn thành thì sớm tháo gỡ khó khăn để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí; Giải pháp tháo gỡ đã cho phù hợp ở một số địa phương nhưng các địa phương khác cũng tương tự thì có thể cho áp dụng chung.

Quy định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp trong việc đảm bảo điện an toàn, liên tục

Thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi luật nhưng trong Tờ trình vẫn chưa thể hiện được hết sự cấp bách từ thực tiễn. Theo đại biểu, trong giai đoạn từ sau khi luật Điện lực có hiệu lực, Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết và Nhà nước ban hành nhiều chính sách mới nên luật Điện lực không đáp ứng yêu cầu.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) cơ bản phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành; có sự thống nhất với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Điện lực hiện hành, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về điện lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các ý kiến đều lưu ý, đây là luật liên quan đến nhiều luật nên cần rà soát để tránh chồng chéo.

Đề cập đến vấn đề chất lượng điện tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và đặc biệt là các khu vực khó khăn như miền núi, biên giới và hải đảo, các đại biểu cho rằng, hiện nay, các hợp tác xã điện ở những khu vực này đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống điện và đảm bảo an toàn. Nhiều ý kiến đề xuất cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển điện tại những vùng này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đề nghị xem xét bổ sung thêm khoản 6 vào sau khoản 5 Dự thảo Luật: Đối với các trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì yêu cầu phòng Quản lý tài nguyên các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện, thị xã, thành phố phải thể hiện đường dây điện cao, hạ áp đi qua và có trên mặt bằng của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có). Theo các đại biểu, hiện có rất nhiều hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên đường điện đã được xây dựng từ trước, nên các chủ đầu tư, hộ gia đình xây dựng nhà vẫn yêu cầu ngành điện phải di chuyển đường điện ra ngoài mảnh đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như vậy là không hợp lý, đúng quy định.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung nội dung về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp điện trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, cũng như hướng dẫn và tuyên truyền cho người dân về sử dụng điện an toàn.

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/quy-dinh-trach-nhiem-cua-cac-don-vi-cung-cap-trong-viec-dam-bao-dien-an-toan-lien-tuc-20241026174107344.htm