Quy định về bổ nhiệm lại hiệu trưởng ở huyện Vĩnh Lộc có dấu hiệu lạm quyền
Dư luận huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) băn khoăn về quyết định của Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc, quanh việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Dư luận ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đang băn khoăn về quyết định của Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Vĩnh Lộc, xoay quanh việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Theo đó, trong 5 năm, nếu một trường học không đạt danh hiệu tiên tiến ít nhất một lần, thì sẽ không bổ nhiệm lại chức vụ hiệu trưởng của ngôi trường đó.
Quy định... lạ
Ngày 1/4/2022, ông Lữ Minh Thư - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc (nay là Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa) thay mặt BTV Huyện ủy Vĩnh Lộc ký Quyết định số 592/QĐ-HU (Quyết định 592), về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý diện BTV Huyện ủy quản lý.
Trong quyết định này, ngoài quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện BTV Huyện ủy Vĩnh Lộc quản lý, còn có quy định về việc bổ nhiệm lại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường THCS, tiểu học, trường liên cấp (TH&THCS) và trường mầm non.
Cụ thể: “Trong thời gian giữ chức vụ được bổ nhiệm, nhà trường có ít nhất 1 lần đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến; có học sinh đoạt giải cấp huyện, cấp tỉnh (đối với bậc THCS); nhà trường cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu do UBND huyện giao hằng năm”.
Như vậy, theo quy định trong Quyết định 592, trong vòng 5 năm nếu trường nào không có học sinh đoạt giải cấp tỉnh, cấp huyện, thì nhà trường không đạt danh hiệu tiên tiến. Và như vậy, huyện sẽ không bổ nhiệm lại chức danh hiệu trưởng trường đó.
Với quy định này, nhiều hiệu trưởng, hiệu phó cùng giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc cho rằng, nếu lãnh đạo huyện muốn nâng cao chất lượng giáo dục, thì phải có nhiều giải pháp khác, chứ không thể “áp đặt” vào công tác cán bộ như vậy được.
“Trong giáo dục, Đảng và Nhà nước ta vẫn quan tâm đến chất lượng giáo dục toàn diện, chứ không phải chỉ tập trung vào giáo dục mũi nhọn. Thế nhưng, BTV Huyện ủy Vĩnh Lộc lại đưa tiêu chí thi đua hàng năm là: Trường THCS nào không có học sinh đoạt giải các môn văn hóa cấp tỉnh, thì nhà trường không được công nhận tập thể lao động tiên tiến.
Phải chăng, chúng ta đang quên mất chất lượng đại trà là chủ yếu nhằm nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hội nhập quốc tế?”, một hiệu trưởng trường (xin được giấu tên) nêu quan điểm.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, cùng với chất lượng đại trà, các nhà trường luôn quan tâm chất lượng mũi nhọn. Hàng năm, nhà trường luôn có học sinh đoạt giải cấp huyện và tạo nguồn cho huyện dự thi cấp tỉnh. Những học sinh trong đội tuyển dự thi cấp tỉnh được huyện tổ chức ôn luyện là chủ yếu, nhà trường chỉ tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho các em tham gia.
Vậy, nếu học sinh đó đi thi cấp tỉnh, mà không có giải, thì trách nhiệm thuộc một mình hiệu trưởng nhà trường hay còn tập thể, cá nhân nào khác nữa? Trách nhiệm của phòng GD&ĐT ở đâu? Phải chăng, quy định trong Quyết định 592 đang đặt nặng về bệnh thành tích trong ngành Giáo dục ở địa phương này?
Làm trái Nghị định của Chính phủ?
Theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, thì không có điều nào quy định trong vòng 5 năm, nếu nhà trường không có học sinh giỏi đoạt giải cấp tỉnh, cấp huyện, sẽ không đạt danh hiệu tiên tiến, thì huyện không bổ nhiệm lại chức vụ hiệu trưởng cho đơn vị đó.
Nếu chiểu theo Quyết định 592, khi nhà trường không có học sinh đoạt giải cấp tỉnh, cấp huyện các môn văn hóa, sẽ không đạt danh hiệu tiên tiến và sẽ không bổ nhiệm lại hiệu trưởng. Như vậy, có nghĩa là hiệu trưởng ngôi trường đó sẽ... mất chức?
Trong khi đó, hàng năm hiệu trưởng nhà trường luôn hoàn thành nhiệm vụ, không vi phạm đạo đức nhà giáo, không bị kỷ luật... thì tại sao không bổ nhiệm lại chức vụ cho họ?
Trao đổi với Báo GD&TĐ, đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng: Liên quan đến vấn đề quản lý, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại đối với quản lý cấp trường thì dù cấp huyện có đề ra quy định nào đi nữa, cũng không thể trái với quy định của cấp trên.
“Hiệu trưởng, hiệu phó trường học là diện BTV Huyện ủy quản lý. Còn thẩm quyền bổ nhiệm là của Chủ tịch UBND huyện. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc khi bổ nhiệm viên chức lãnh đạo, thì cấp huyện không thể trái với Nghị định 115 của Chính phủ.
Anh không thể bịa ra tiêu chí là người ta không đạt danh hiệu tiên tiến, mà không bổ nhiệm lại chức vụ của họ. Tình huống này, nếu cấp trên kiểm tra, mà phát hiện anh tự đặt ra những điều trái quy định, thì sẽ bị ‘tuýt còi’ ngay.
Bản chất của vấn đề là, khi viên chức lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ, thì đến kỳ bổ nhiệm phải bổ nhiệm lại cho họ, chứ không thể làm trái với Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Chúng tôi sẽ trao đổi lại với lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc về vấn đề này”, đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa nêu quan điểm.