Quy định về cộng nối thời gian công tác trong quân đội

Chị Nguyễn Thị Ngọc ở xã Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc hỏi: Chồng tôi nhập ngũ tháng 1-1990 đến tháng 2-1992 thì xuất ngũ. Tháng 3-1997, chồng tôi vào làm hợp đồng lao động tại Nhà máy Z, sau chuyển công nhân viên chức quốc phòng và hiện nay là QNCN. Vậy chồng tôi có được cộng nối thời gian công tác hiện nay với thời gian đã xuất ngũ trước đây hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 29 Thông tư liên tịch số 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH, ngày 30-6-2016 của liên bộ: Quốc phòng, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội: “Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15-12-1993 sau đó chuyển sang làm việc có tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH”.

Như vậy, thời gian chồng của chị Nguyễn Thị Ngọc công tác trong quân đội từ tháng 1-1990 đến 2-1992 được cộng với thời gian có đóng BHXH sau này để làm căn cứ tính hưởng BHXH.

Tuy nhiên, để được xem xét cộng nối thời gian xuất ngũ trước năm 1993 thì chồng của chị Ngọc cần phải cung cấp quyết định xuất ngũ (gốc) và giấy xác nhận không hưởng trợ cấp theo một trong các quyết định quy định tại Khoản 9, Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10-5-2016 của Chính phủ do Ban CHQS quận (huyện) nơi chồng chị cư trú cấp, sau đó gửi cho đơn vị nơi chồng của chị đang công tác để gửi về BHXH Bộ Quốc phòng xem xét, giải quyết.

----------

* Anh Nguyễn Văn Thức, ở xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, hỏi: Tính đến tháng 9-2020, vợ tôi có 25 năm tuổi quân ứng với 25 năm đóng BHXH bắt buộc. Vậy, tháng 10-2020, vợ tôi có đủ điều kiện nghỉ hưu không? Tỷ lệ phần trăm lương hưu là bao nhiêu?

Trả lời:

Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10-5-2016 của Chính phủ quy định về điều kiện nghỉ hưu đối với quân nhân như sau:

“Nam quân nhân có đủ 25 năm trở lên, nữ quân nhân có đủ 20 năm trở lên công tác trong quân đội, trong đó có ít nhất 5 năm tuổi quân, mà quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, QNCN, CN&VCQP hoặc không chuyển ngành được. Thời gian công tác trong quân đội bao gồm thời gian là sĩ quan, QNCN, hạ sĩ quan, binh sĩ, CN&VCQP, kể cả thời gian quân nhân chuyển ngành sau đó do yêu cầu nhiệm vụ được điều động trở lại phục vụ quân đội”.

Đối chiếu với quy định trên thì đủ điều kiện nghỉ hưu.

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10-5-2016 của Chính phủ: Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi 15 năm đầu đóng BHXH được tính bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm được tính bằng 2%, mức tối đa bằng 75%.

- Nếu nghỉ hưu từ tháng 10-2020; có 25 năm tham gia BHXH cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu như sau:

15 năm đầu = 45%; 10 năm tiếp theo x 2% = 20%.

Như vậy tỷ lệ lương hưu là: 45% + 20% = 65% và được điều chỉnh tăng thêm theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 153/2018/NĐ-CP ngày 7-11-2018 của Chính phủ, tương ứng với tỷ lệ là 6,15% lương hưu.

Mọi thông tin, ý kiến cần giải đáp xin gửi về Phòng biên tập Công tác Đảng, công tác chính trị, Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: 069.554119; 024.37478610; thư điện tử: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/quy-dinh-ve-cong-noi-thoi-gian-cong-tac-trong-quan-doi-619713