Quy định về dạy thêm, học thêm: Hài hòa lợi ích các bên
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực thực hiện từ ngày 14-2-2025. Mặc dù được đánh giá có nhiều tiến bộ hơn so với quy định trước đây, nhưng những quy định tại thông tư chưa thể khiến người học lẫn người dạy yên tâm.
Còn nhiều băn khoăn
Tuần qua, trên nhiều diễn đàn, cộng đồng mạng xã hội, vấn đề được bàn luận nhiều nhất là cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, xử phạt các trường hợp giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình theo bất kỳ hình thức nào.
Chị Phương Thanh, phụ huynh có con học lớp 11 tại quận Bình Thạnh (TPHCM), cho biết, hiện nay, ở các lớp học thêm, học sinh được giáo viên chia nhóm theo trình độ, năng lực chứ không phân biệt học sinh ở trường nào, thuộc lớp giáo viên dạy chính khóa hay không.
Vì vậy, quy định giáo viên không được dạy thêm học sinh ở lớp chính khóa tuy có thể hạn chế tình trạng giáo viên lôi kéo, ép buộc học sinh của mình đến lớp học thêm, nhưng cũng tạo ra sự không công bằng đối với những học sinh có nhu cầu bổ sung kiến thức với chính thầy, cô giáo đang dạy chính khóa, bởi họ là những người hiểu rõ năng lực học tập của các em nhất.
Dưới góc độ khác, nhiều phụ huynh lo lắng rằng ở thời điểm hiện tại, học sinh đã bắt đầu học kỳ 2 năm học 2024-2025, lịch học thêm được ổn định từ đầu năm. Để chấp hành quy định mới, giáo viên có hai lựa chọn: hoán đổi học sinh mình đang dạy thêm với đồng nghiệp khác, hoặc giới thiệu học sinh đến các trung tâm, cơ sở có đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm theo đúng quy định.
Dù lựa chọn phương án nào thì việc học thêm của học sinh cũng bị xáo trộn, gây ảnh hưởng tâm lý, ảnh hưởng đến hiệu quả tiếp thu kiến thức của các em, đặc biệt đối với học sinh các lớp cuối cấp trong thời điểm các kỳ thi tuyển sinh đã đến rất gần.
Mặt khác, so với quy định trước đây tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT (ban hành ngày 16-5-2012, theo đó giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường chỉ cần sự cho phép của hiệu trưởng hoặc người đứng đầu đơn vị) thì quy định mới yêu cầu giáo viên phải báo cáo chi tiết môn học, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm.
Như vậy, quy định mới yêu cầu trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên. Câu hỏi được đặt ra là: liệu có tình trạng hiệu trưởng “giơ cao đánh khẽ”, quản lý dạy thêm, học thêm chủ yếu trên giấy, tạo ra sự bất nhất trong quản lý giữa giáo viên trường này với trường kia!
Đề xuất xã hội hóa dạy thêm trong trường
Đối với hoạt động dạy thêm trong nhà trường, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) Huỳnh Thanh Phú cho rằng, quy định không thu tiền người học đối với hoạt động ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sau khi kết thúc thời gian năm học sẽ giúp giảm áp lực chi phí cho phụ huynh, đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh đều được tham gia ôn tập. Tuy nhiên, việc không thu phí đòi hỏi các trường phải tự cân đối ngân sách để tổ chức hoạt động ôn tập cho học sinh, từ đó có thể ảnh hưởng đến các hoạt động khác.
Ở góc độ giáo viên, nhiều thầy, cô giáo cho biết, nếu hoạt động ôn tập sau khi kết thúc chương trình chính khóa không được chi trả thù lao thì sẽ khiến một bộ phận giáo viên giảm nhiệt huyết, ảnh hưởng chất lượng ôn tập cho học sinh. Nếu việc tổ chức ôn tập không chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu của người học, các em vẫn tìm đến các lớp học thêm ngoài nhà trường, tạo thêm áp lực tài chính cho phụ huynh.
“Tôi mong Bộ GD-ĐT quy định thêm chính sách hỗ trợ cụ thể từ ngân sách hoặc các nguồn quỹ khác đối với hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa, hoặc cho phép các trường triển khai phương án linh hoạt là xã hội hóa nguồn thu trên tinh thần tự nguyện để hỗ trợ hoạt động ôn tập, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan”, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân đề xuất.
Theo TS giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, quy định mới về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT chưa thể giải quyết tận gốc những mặt trái của hoạt động này. Trên thực tế, để hướng đến mục đích xây dựng nền giáo dục “dạy thật, học thật, thi thật”, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ cải cách chương trình giáo dục phổ thông; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh, chứ không đơn giản là các biện pháp quản lý mang tính chất sự vụ như hiện nay.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Phát triển chính sách, Đại học Quốc gia TPHCM, được công bố vào ngày 18-11-2024, khi lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/người/tháng lên 2,34 triệu đồng/người/tháng (áp dụng từ ngày 1-7-2024), thu nhập của đội ngũ nhà giáo được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thu nhập này chỉ đáp ứng 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình nếu giáo viên không có thu nhập thêm từ công việc khác.
Do đó, 25,4% giáo viên cho biết có dạy thêm trong trường và 8,2% giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, chủ yếu tập trung các môn học là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học. Bình quân giáo viên tiểu học dạy thêm 8,6 giờ/tuần, giáo viên cấp THCS dạy thêm 13,75 giờ/tuần, giáo viên cấp THPT dạy thêm 14,91 giờ/tuần.
Kết quả khảo sát cho thấy, có 63,57% giáo viên bày tỏ nguyện vọng được hợp pháp hóa việc dạy thêm để tăng thu nhập bằng chính năng lực của mình, bao gồm dạy thêm ở nhà và dạy trực tuyến.
MINH QUÂN