Quy định về điều chỉnh dự án trường hợp một số hạng mục không thực hiện

Trường hợp dự án có một hoặc một số hạng mục không thực hiện, cần điều chỉnh để không đầu tư các hạng mục này thì cấp có thẩm quyền có thể điều chỉnh dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Sơn, quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật đến nay, không có quy định về điều kiện áp dụng, đối tượng, trách nhiệm thẩm định, quy trình, thủ tục về việc "Quyết định việc tạm ngừng, hủy bỏ chương trình, dự án"; không có định nghĩa cho việc "dừng thực hiện vĩnh viễn dự án" phù hợp để áp dụng các quy định của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ dẫn đến một số khó khăn vướng mắc.

Theo quan điểm của cơ quan thẩm tra phê duyệt quyết toán là Sở Tài chính trong quá trình thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng đối với các dự án có một hoặc một số hạng mục dừng thực hiện vĩnh viễn thì phải có văn bản cho phép dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện của người có thẩm quyền quyết định phê duyệt quyết định đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP.

Đối với các trường hợp dừng thực hiện vĩnh viễn một số hạng mục của dự án không thuộc trường hợp quy định tại Điều 43 Luật Đầu tư công về điều chỉnh chương trình, dự án, cơ quan của ông Sơn chưa có căn cứ xác định điều kiện, trình tự, thủ tục, cơ quan đảm nhận nhiệm vụ tham mưu người có thẩm quyền ban hành (UBND tỉnh) văn bản cho phép dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện.

Ngoài ra, trong Luật Đầu tư công chưa quy định về tạm ngừng, hủy bỏ chương trình dự án dẫn đến vướng mắc trong xác định trách nhiệm thẩm định, đề xuất, quy trình phê duyệt tạm ngừng, hủy bỏ chương trình, dự án đối với các dự án đầu tư công đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương đã được HĐND tỉnh thông qua, chưa triển khai thực hiện nhưng có các nguyên nhân khách quan dẫn đến tạm ngừng, hủy bỏ chương trình, dự án. Điều này dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất trong quy trình, thủ tục, thẩm quyền thực hiện.

Bên cạnh đó, không có quy định trách nhiệm của cấp quyết định đầu tư về việc xin ý kiến trước khi quyết định hay báo cáo cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau khi quyết định điều chỉnh, tạm ngừng, hủy bỏ chương trình, dự án làm cơ sở phục vụ công tác giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Do vậy, ông Sơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể các nội dung sau: Điều kiện, trình tự, thủ tục để tạm ngừng, hủy bỏ, cho phép chấm dứt thực hiện (không thực hiện một số hạng mục) chương trình, dự án để các chủ đầu tư, đơn vị, địa phương có cơ sở triển khai thanh quyết toán các dự án có hạng mục dùng và quy trình hủy bỏ không triển khai các chương trình, dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện đã nêu trên để phù hợp với các quy định về quyết toán vốn trong Nghị định số 99/2021/NĐ-CP về quản lý, thanh toán, quyết toán, dự án sử dụng vốn đầu tư công và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Trước khi quyết định điều chỉnh, tạm ngừng, hủy bỏ chương trình, dự án do HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh có phải xin ý kiến chấp thuận của HĐND tỉnh hay Thường trực HĐND tỉnh không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Trường hợp dự án có một hoặc một số hạng mục không thực hiện, cần điều chỉnh để không đầu tư các hạng mục này thì cấp có thẩm quyền có thể điều chỉnh dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Đầu tư công năm 2019.

Trường hợp việc điều chỉnh dự án dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư thì thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Ngọc Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quy-dinh-ve-dieu-chinh-du-an-truong-hop-mot-so-hang-muc-khong-thuc-hien-391641.html