Quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có gì mới?

Ngày 8/6, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trong đó, quan trọng nhất là bỏ nội dung đơn vị đăng kiểm phải độc lập về pháp lý và tài chính với đơn vị kinh doanh vận tải, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Tham gia dịch vụ kiểm định có thể là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

Theo đó, đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (đơn vị đăng kiểm) là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ công thực hiện công tác kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới.

Nghị định 30/2023 quy định, tham gia dịch vụ kiểm định có thể là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

Nghị định 30/2023 quy định, tham gia dịch vụ kiểm định có thể là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

Nghị định cũng quy định, chỉ tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép hoạt động kiểm định xe cơ giới. Hoạt động kiểm định phải bảo đảm tính độc lập, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật.

Trong trường hợp hệ thống các đơn vị đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của tổ chức và cá nhân thì cho phép huy động đơn vị đăng kiểm và nhân lực của lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân tham gia hỗ trợ kiểm định xe cơ giới thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, trong đó có xét đến các yếu tố đặc thù của các địa phương, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện được đăng ký trên địa bàn; khuyến khích ứng dụng công nghệ, thiết bị kiểm định hiện đại.

Vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm phải tuân thủ quy định về đấu nối, kết nối hệ thống giao thông; thuận tiện cho xe cơ giới ra vào kiểm định; bảo đảm an toàn, thuận lợi trong quá trình hoạt động, không gây cản trở và ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

Về cơ cấu tổ chức, nhân lực của đơn vị đăng kiểm, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu tổ chức, nhân lực.

Theo đó, cơ cấu tổ chức của đơn vị đăng kiểm phải có tối thiểu các bộ phận như: Bộ phận lãnh đạo gồm Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc phụ trách đơn vị đăng kiểm để tổ chức quản lý, điều hành đơn vị đăng kiểm; trong đó có tối thiểu 01 lãnh đạo đơn vị đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định được quy định tại Điều 24 Nghị định này; Bộ phận kiểm định: Gồm phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên để thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của phương tiện; Bộ phận văn phòng: Gồm nhân viên nghiệp vụ và các nhân viên khác để thực hiện các công việc văn phòng, hỗ trợ hoạt động kiểm định.

Nhân lực của đơn vị đăng kiểm phải có tối thiểu 01 lãnh đạo có đủ điều kiện theo quy định, tối thiểu 01 phụ trách bộ phận kiểm định; Dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 02 đăng kiểm viên bảo đảm thực hiện đủ các công đoạn kiểm định. Có nhân viên nghiệp vụ để thực hiện các công việc quy định…

Theo Bộ Giao thông Vận tải, thay đổi này nhằm huy động cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, kinh doanh dịch vụ vận tải tham gia kiểm định xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh áp dụng khoa học trong kiểm định xe. Các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ôtô muốn được cấp phép kiểm định cần có đủ điều kiện như mặt bằng, trang thiết bị, nhân lực... theo quy định thành lập đơn vị đăng kiểm đã có.

Đ.A

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/quy-dinh-ve-kinh-doanh-dich-vu-kiem-dinh-xe-co-gioi-co-gi-moi-1093121.html