Quy định về mức phụ cấp thâm niên đối với công nhân và viên chức quốc phòng?
Mức phụ cấp thâm niên với công nhân và viên chức quốc phòng hiện nay được quy định như thế nào? Mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây.
1. Công nhân và viên chức quốc phòng là ai?
Theo khoản 2 Điều 2 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 thì công nhân và viên chức quốc phòng là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, được tuyển chọn, tuyển dụng vào Quân đội nhân dân theo vị trí việc làm hoặc chức danh nghề nghiệp mà không thuộc diện được phong quân hàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ.
2. Mức phụ cấp thâm niên với công nhân và viên chức quốc phòng
Mức phụ cấp thâm niên với công nhân và viên chức quốc phòng theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 19/2017/NĐ-CP như sau:
- Công nhân và viên chức quốc phòng có thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của quân đội đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (12 tháng) được tính thêm 1%.
- Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
3. Thời gian tính hưởng và không tính hưởng phụ cấp thâm niên với công nhân và viên chức quốc phòng
Thời gian tính hưởng và không tính hưởng phụ cấp thâm niên với công nhân và viên chức quốc phòng theo khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 19/2017/NĐ-CP như sau:
* Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên với công nhân và viên chức quốc phòng:
- Thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của quân đội;
- Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 19/2017/NĐ-CP để tính hưởng phụ cấp thâm niên.
* Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên với công nhân và viên chức quốc phòng:
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
4. Chế độ nâng lương với công nhân và viên chức quốc phòng
Chế độ nâng lương với công nhân và viên chức quốc phòng theo Điều 37 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 như sau:
- Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nâng lương nếu có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và đủ thời hạn nâng lương cho từng đối tượng.
- Việc nâng lương mỗi lần chỉ được nâng một bậc; trường hợp lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, học tập và trong thực hiện nhiệm vụ thì được nâng lương trước thời hạn hoặc vượt bậc.
Trong thời hạn xét nâng lương nếu vi phạm kỷ luật quân đội và pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị kéo dài thời hạn xét nâng lương.
5. Chế độ nghỉ ngơi của công nhân và viên chức quốc phòng
Chế độ nghỉ ngơi của công nhân và viên chức quốc phòng theo Điều 38 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 như sau:
- Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ ngơi theo quy định của Bộ luật Lao động và theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ mà không được bố trí nghỉ hằng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.
- Khi có lệnh động viên, trong thời chiến và trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh đình chỉ thực hiện chế độ nghỉ ngơi; quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đang nghỉ phải trở về đơn vị.