Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng là hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng; các đơn vị, tổ chức tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt…

Việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, tổ chức, cá nhân được phân loại tại nguồn thành ba nhóm: nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy, nhựa, kim loại, chai lọ thủy tinh, cao su. Nhóm chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm dễ phân hủy như các loại thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau củ quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản. Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác là chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, gồm: bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit thải, dung môi thải, kiềm thải, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại, bình gas mini từ hoạt động sinh hoạt; sơn, mực, chất kết dính (loại có các thành phần nguy hại trong nguyên liệu sản xuất). Găng tay, giẻ lau dính dầu, hóa chất; kim tiêm, khẩu trang, bông băng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh; các loại bóng đèn huỳnh quang thải, thủy tinh hoạt tính thải, nhiệt kế chứa thủy ngân thải, các loại pin, ắc quy. Chất thải cồng kềnh như tủ, bàn, ghế, sofa, giường, nệm cũ hỏng; tủ sắt, khung cửa, cánh cửa; cành cây, gốc cây phải lưu giữ, bảo quản, không được tập kết ra vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng.

Việc tập kết chất thải rắn sinh hoạt phải theo kế hoạch, phương án thu gom, vận chuyển, xử lý của chính quyền địa phương; không tập kết vào thời điểm trời mưa, gần các hố ga thoát nước. Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải phải thực hiện nghiêm việc thu gom, vận chuyển chất thải trên tuyến đường, thời gian theo đúng quy định của UBND tỉnh. Đối với việc vận chuyển chất thải cồng kềnh trên các phương tiện thu gom, vận chuyển phải đáp ứng quy định về kích thước hàng hóa trên xe theo quy định về giao thông vận tải.

Biện pháp xử lý đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: Các chủ nguồn thải thu gom, phân loại riêng để chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải. Đối với chất thải thực phẩm, tùy thuộc vào điều kiện của từng chủ nguồn thải, chủ nguồn thải có thể tự xử lý tại gia đình như ủ làm phân bón hữu cơ hoặc tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Đối với những nơi không có điều kiện tự xử lý tại hộ gia đình, chủ nguồn thải chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải đi xử lý tập trung tại khu xử lý bằng phương pháp làm phân bón hữu cơ, đốt, hoặc chôn lấp hợp vệ sinh. Đối với chất thải cồng kềnh được thu gọn, giảm kích thước, thể tích và căn cứ tính chất của từng loại chất thải sau khi thu gọn, giảm kích thước, thể tích để xử lý riêng từng loại. Khi có phát sinh chất thải cồng kềnh phải liên hệ với tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn để thỏa thuận chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom, vận chuyển theo quy định. Đối với chất thải nguy hại, chủ nguồn thải chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý chất thải nguy hại để xử lý…

PV

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202504/quy-dinh-ve-quan-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-5d15067/