Quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng như thế nào?

Hiện nay, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sau khi tiếp thu và chỉnh lý theo ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, gồm 7 chương, 85 điều, trong đó có quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng đây là nội dung mới, nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Theo đó cần “tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại, vừa sản xuất, vừa sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật theo chuyên ngành sản phẩm”.

Tổng lắp sản phẩm quốc phòng ở Nhà máy Z129, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: QUANG TUẤN

Tổng lắp sản phẩm quốc phòng ở Nhà máy Z129, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: QUANG TUẤN

Đồng thời, xuất phát từ thực tiễn trong nhiều năm qua, các hình thức liên kết, hợp tác đã và đang được áp dụng để tạo ra các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân, binh chủng, vũ khí tích hợp hệ thống, vũ khí thông minh, công nghệ cao; với tính chất phức tạp của các vũ khí này, đòi hỏi phải có sự tham gia của số lượng lớn các cơ sở để nghiên cứu, sản xuất các vật tư, linh kiện, bán thành phẩm của sản phẩm quốc phòng, việc này đặt ra yêu cầu cần có mô hình, cơ chế quản lý phù hợp để tạo hiệu quả hoạt động của sự liên kết, hợp tác giữa các cơ sở.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng so với dự thảo Chính phủ trình; trong đó quy định khung một số vấn đề, như: Chức năng, nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng; thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng; chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng; điều kiện, chính sách, trách nhiệm của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng…

Theo quy định tại dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, tổ hợp công nghiệp quốc phòng không hình thành pháp nhân, không phải là tập đoàn mà được xác định là hệ thống liên kết, hợp tác của cơ sở công nghiệp quốc phòng, tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện nhất định, lấy cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt làm hạt nhân để hình thành chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm quốc phòng theo nhóm, chuyên ngành sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Sử dụng rô bốt vào sản xuất các sản phẩm quốc phòng ở Nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: QUANG TUẤN

Sử dụng rô bốt vào sản xuất các sản phẩm quốc phòng ở Nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: QUANG TUẤN

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã quy định các chính sách cụ thể và đặc thù cho hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng, như: Nhà nước giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện chương trình nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật theo chuyên ngành sản phẩm; tự chủ điều phối trong nghiên cứu, sản xuất, huy động năng lực của tổ hợp công nghiệp quốc phòng; Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ chương trình nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật do Nhà nước đặt hàng, giao thực hiện; sử dụng cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư để phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; lập danh sách cơ sở công nghiệp quốc phòng là thành viên của tổ hợp công nghiệp quốc phòng, ưu tiên cơ sở công nghiệp động viên, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt…

Đây là bước đầu tạo cơ sở hành lang pháp lý cho phép xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ hợp công nghiệp quốc phòng, góp phần thúc đẩy hình thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong thực tiễn.

SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quy-dinh-ve-to-hop-cong-nghiep-quoc-phong-nhu-the-nao-778342