Quy định về tuổi bầu cử, ứng cử, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND quy định về tuổi bầu cử và tuổi ứng cử, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử. Cụ thể, tại Điều 2 quy định về tuổi bầu cử và tuổi ứng cử như sau: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của luật.

Theo Điều 3, người ứng cử đáp ứng các tiêu chuẩn: Người ứng cử ĐBQH phải đáp ứng các tiêu chuẩn của ĐBQH quy định tại Luật tổ chức Quốc hội; người ứng cử đại biểu HĐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND quy định tại Luật tổ chức Chính quyền địa phương.

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử được quy định tại Điều 4 như sau:

Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu QH, bầu cử đại biểu HĐND các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu QH trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.

Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu QH; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện việc dự kiến và phân bổ số lượng ĐBQH được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH; hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp; tổ chức giám sát công tác bầu cử ĐBQH và HĐND, bảo đảm cho việc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp thực hiện công tác bầu cử theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm kinh phí, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức bầu cử, bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh, an toàn và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cuộc bầu cử.

MTTQ Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức bầu cử ĐBQH tại địa phương; Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc T.Ư, Ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn tổ chức bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, đại biểu HĐND cấp huyện, đại biểu HĐND cấp xã tương ứng; các Ban bầu cử, Tổ bầu cử thực hiện công tác bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp theo quy định của luật.

Thường trực HĐND dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND của cấp mình; Thường trực HĐND, UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và thực hiện công tác bầu cử theo quy định của luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Đ.H (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/149516/quy-dinh-ve-tuoi-bau-cu,-ung-cu,-trach-nhiem-cua-co-quan,-to-chuc-tr111ng-cong-tac-bau-cu.htm