Quy định việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND
Nghị quyết liên tịch số 72/2025/NQLT/UBTVQH15-CP- ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội-Chính phủ-Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vừa được ký ban hành.
Nghị quyết này quy định về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; giải quyết, trả lời và giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Nghị quyết nêu rõ về quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Cụ thể, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chủ động, tích cực trong tiếp xúc cử tri; gợi mở, khuyến khích cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị về những vấn đề mà cử tri quan tâm; chuẩn bị nội dung, tài liệu cho việc tiếp xúc cử tri; nghiên cứu kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; thông tin đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, kịp thời giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tiếp xúc cử tri thành phố Ninh Bình. Ảnh: Báo Ninh Bình
Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có quyền từ chối tiếp xúc cử tri nếu không bảo đảm an ninh, an toàn cho đại biểu hoặc không bảo đảm các nguyên tắc theo quy định.
Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có quyền và trách nhiệm tiếp xúc cử tri nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đại biểu Quốc hội ứng cử, ngoài đơn vị bầu cử của đại biểu HĐND.
Đại biểu Quốc hội tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội; thực hiện sự phân công của Đoàn đại biểu Quốc hội về việc tiếp xúc cử tri.
Đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm thực hiện việc tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của Tổ đại biểu HĐND cùng cấp. Đại biểu HĐND cấp xã tiếp xúc cử tri theo sự phân công của Thường trực HĐND cấp xã.
Đại biểu HĐND có quyền đề nghị Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Thường trực HĐND cấp xã tổ chức tiếp xúc cử tri ngoài chương trình, kế hoạch của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Thường trực HĐND cấp xã.
Nghị quyết liên tịch quy định: Thông qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tập hợp đầy đủ, trung thực các ý kiến, kiến nghị của cử tri, gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Trung ương; chuyển đến Thường trực HĐND và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương đối với những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc và 15 ngày sau khi kết thúc kỳ họp thường lệ của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri; gửi báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Đối với nội dung khiếu nại, tố cáo mà cử tri nêu tại các hoạt động tiếp xúc cử tri, thì đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội xử lý theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp công dân, xử lý đơn thư.