Quy định xe đưa đón học sinh: Bảo đảm an toàn, dễ dàng quản lý
Lý giải cho hàng loạt quy định mới, Bộ GTVT cho rằng, trẻ em cần được ưu tiên đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Việc quy định phương tiện đưa đón học sinh tại Dự thảo Luật Đường bộ nhằm quản lý hoạt động vận tải nhằm bảo đảm an toàn giao thông, phù hợp với thực tiễn phát sinh hiện nay là vấn đề được bạn đọc, dư luận quan tâm.
Tăng nhận diện xe chở học sinh
Dự thảo Luật Đường bộ đang được Bộ GTVT xây dựng, lấy ý kiến nhân dân nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Trong đó, tại Khoản 2, Điều 78, Dự thảo Luật Đường bộ có đề xuất quy định: Xe ô tô đưa đón học sinh phải bắt buộc có đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn nhận diện, niên hạn sử dụng không quá 15 năm.
Đề cập cụ thể về chi tiết đèn cảnh báo, đại diện Phòng Quản lý phương tiện, người lái (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) cho biết, đèn cảnh báo phải phát sáng, có thể xoay, được gắn trên nóc xe hoặc đèn ghi “xe chở học sinh” để khi tham gia giao thông các phương tiện khác có thể nhận diện.
Đồng thời, đại diện Phòng Quản lý phương tiện, người lái cũng cho rằng, chưa cần lắp đèn cảm biến cảnh báo ở cuối xe vì công nghệ khá phức tạp. Các quy định trong dự thảo luật đã yêu cầu trước khi học sinh xuống xe, cả lái xe và người giám sát phải kiểm tra toàn bộ xe xem còn ai hay không.
Cơ quan soạn thảo cũng dự tính sẽ không bắt buộc tất cả xe đưa đón học sinh phải dùng màu sơn chung, nhưng cần có các màu sơn đặc trưng để dễ nhận biết. Quy định này nhằm làm sao để ô tô đưa đón học sinh dễ được nhận biết khi tham gia giao thông, để được ưu tiên phân luồng, điều tiết và đảm bảo an toàn hơn.
Lý giải cho hàng loạt quy định mới, Bộ GTVT cho rằng, trẻ em cần được ưu tiên đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô tô hiện “chưa có bất cứ quy định nào”, trong khi dịch vụ này đang phổ biến, nhất là ở thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Vì chưa có quy định nên xảy ra nhiều bất cập như dịch vụ tự phát, chất lượng xe không đảm bảo, lái xe thiếu trách nhiệm...
Các đề xuất nêu trên nhằm phân biệt rõ xe đưa đón học sinh với các xe kinh doanh vận tải khác, tạo cơ chế quản lý chặt xe đưa đón học sinh, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn, gắn trách nhiệm của đơn vị kinh doanh và nhà trường vào hoạt động này.
Doanh nghiệp phải bổ sung một số thiết bị an toàn, đào tạo lái xe, người quản lý học sinh khiến chi phí tăng. Tuy nhiên, nếu không thực hiện, sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư, đổi mới xe, trang bị đảm bảo an toàn cho học sinh, người dân cũng khó lựa chọn xe an toàn, chất lượng tốt.
Cần áp dụng để bảo đảm an toàn
Những năm qua, nhiều địa phương xảy ra những vụ tai nạn liên quan đến xe đưa đón học sinh. Năm 2019, nam sinh 6 tuổi học sinh Trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô đưa đón suốt 9 tiếng. Cùng năm, tại Đồng Nai, ô tô chở 16 học sinh lớp 1 từ trường về nhà giáo viên chủ nhiệm bị bung cửa, khiến ba em rơi xuống đường.
Năm 2021, xe chở học sinh ở huyện Sông Mã (Sơn La) đang đi trên đường thì cửa bật tung khiến ba em ngã ra đường, một em tử nạn. Tháng 2/2023, tài xe xe buýt chuyên đưa đón học sinh ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) lùi xe khi học sinh chưa xuống hết khiến bé gái lớp 3 tử vong.
Trước thông tin Dự thảo Luật Đường bộ quy định, tăng cường về đảm bảo an toàn phương tiện vận chuyển học sinh, nhiều phụ huynh học sinh đã đồng tình với nội dung này. Chị Nguyễn Thu Trang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), phụ huynh có con đang học lớp 6 tại một trường THCS quốc tế ở Hà Nội cho rằng, sự an toàn của trẻ phải được đặt lên hàng đầu trong ý thức cẩn trọng và gắn kết trách nhiệm của người lớn. Thêm một sự cố trên xe đưa đón học sinh, nỗi lo về sự an toàn của con trẻ trên mỗi cung đường đến trường lại nhân lên.
Anh Nguyễn Tiến Hoàng (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, gia đình hiện có cháu lớn đang học lớp 7. Do hoàn cảnh, hai vợ chồng phải đi làm sớm nên ngay từ khi vào lớp 1, gia đình đã ký hợp đồng xe đưa, đón với mức giá 500 nghìn/tháng.
“Trẻ em nhiều nước trên thế giới cũng đến trường theo cách này. Nhiều trường quốc tế ở các thành phố lớn làm dịch vụ đưa đón học sinh đã từ lâu nay. Có thêm các quy định về an toàn với xe đưa đón học sinh là chuyện rất cần thiết để phụ huynh tin tưởng hơn dịch vụ tiện ích. Các cá nhân, đơn vị làm dịch vụ này cũng an tâm đầu tư mạnh hơn, nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn cho việc đưa đón học sinh từ nhà đến trường”, anh Hoàng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh cho nhiều trường học ở Hà Nội, cho rằng, qua Dự thảo Luật Đường bộ cho thấy rõ các quy định về việc đưa đón học sinh đã được siết chặt hơn. Việc siết chặt như vậy là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn trong đưa đón học sinh.
“Hiện nay, đường phố Hà Nội thường xuyên ùn tắc, biển cấm đỗ xuất hiện rất nhiều, chính vì vậy việc di chuyển của các xe đưa đón học sinh rất khó khăn. Do đó, việc dự thảo quy định xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ rất tốt”, ông Minh nêu quan điểm.