Quy định xuất xứ hàng hóa của Việt Nam vẫn bị nhiều thị trường xem nhẹ

Một số thị trường xuất khẩu thường không quan tâm đến chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam và họ sẽ tự điều tra nghiên cứu về nguồn gốc.

Thời gian qua, việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43) về nhãn hàng hóa.

Trong khi đó, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử. Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, quy định về sản phẩm của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam sẽ hạn chế được tình trạng giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam để lẩn tránh thuế trong quá trình xuất khẩu.

Chia sẻ và lưu ý tới doanh nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo trong nước khi có sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, ông Nestor Scherbey, Chủ tịch CTRMS Việt Nam - Đại diện tại Việt Nam của Liên minh tạo thuận lợi toàn cầu (GATF) cho hay, hàng hóa của Việt Nam có nhiều linh kiện vật liệu từ các nguồn gốc khác nhau, nhất là các hàng gia công, chế biến không thuần túy như các sản phẩm nông nghiệp.

Một số sản phẩm có thiết kế từ nước khác nhưng được lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói xuất khẩu vẫn không được coi là sản phẩm made in Vietnam. (Ảnh minh họa: KT)

Một số sản phẩm có thiết kế từ nước khác nhưng được lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói xuất khẩu vẫn không được coi là sản phẩm made in Vietnam. (Ảnh minh họa: KT)

“Nhiều doanh nghiệp cho biết, quy trình thủ tục trong việc chứng nhận xuất xứ ở Việt Nam khá lằng nhằng, phức tạp. Không chỉ những doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chia sẻ, để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, nếu chỉ có chứng nhận xuất xứ từ Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ là chưa đủ, phía hải quan Mỹ thường không quan tâm đến chứng nhận này và đương nhiên họ sẽ tự điều tra nghiên cứu về xuất xứ. Ngay như việc một số sản phẩm có thiết kế từ Trung Quốc sau đó đưa qua Việt Nam lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói và xuất khẩu sang Mỹ thường không được công nhận là sản phẩm made in Vietnam”, ông Nestor Scherbey nói.

Chính vì thế theo ông Nestor Scherbey, để có được sự thuận lợi hơn trong quá trình xuất khẩu, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường khó tính, các doanh nghiệp đặc biệt phải lưu ý đến vấn đề xác nhận xuất xứ. Doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Mỹ nên liên hệ với GATF để tìm hiểu và xác định trước, để gửi ảnh, thiết kế chi tiết xem hàng hóa đó có đáp ứng được tiêu chuẩn vào Mỹ hay không.

“Quá trình xác định trước sản phẩm sẽ thực hiện việc kiểm tra về những thay đổi đáng kể của sản phẩm và nơi nào có thay đổi nhất thì xác định xuất xứ sản phẩm tại nơi đó. Nếu không có xác định trước này, phía Mỹ sẽ điều tra và phản hồi, gây nhiều khó khăn, phức tạp cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần làm sớm vấn đề này, bởi khi phía Hoa Kỳ yêu cầu giải trình, xác định xuất xứ sẽ rất phức tạp”, ông Nestor Scherbey lưu ý.

Trước làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung của rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc, ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu kinh tế và thị trường toàn cầu, Ngân hàng UOB nhận định, các nhà đầu tư đến Việt Nam với nhiều cơ hội. Tiền đầu tư vào Việt Nam đã tăng dần qua các năm, nhất là các lĩnh vực chế biến chế tạo. Chính vì thế, Việt Nam phải có chính sách linh hoạt, vừa để đón nhận tốt nhất nguồn đầu tư nhưng cũng nâng cao khả năng chuyển hóa các sản phẩm có chất lượng thành các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

“Các nền kinh tế trong đó có Việt Nam phải chuẩn bị cho căng thẳng thương mại kéo dài, khi suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng càng phải tập trung vào nhiều thị trường hơn. Đây là yếu tố để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam làm sao chuyển đổi mô hình sản xuất, quy trình vận hành để nâng cao chất lượng sản phẩm mang đầy đủ chứng nhận made in Vietnam”, ông Suan Teck Kin cho biết.

Ông Hans Kerstens, Giám đốc kinh doanh và Marketing, Khu công nghiệp Deep C cho rằng, hiện nay Việt Nam đang kết nói với nhiều nền kinh tế lớn thông qua các FTA, nên khi sản xuất hàng hóa và xuất khẩu sẽ tận dụng được nhiều ưu đãi về thuế quan vì thế vấn đề xuất xứ hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm là điều các doanh nghiệp cần hết sức quan tâm.

Ngoài ra, ông Hans Kerstens cũng lưu ý khi các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư tại Việt Nam đều quan tâm chi phí logistic, nhưng ở Việt Nam lĩnh vực này vẫn gặp phải nhiều vấn đề do đường xá, các tuyến đường vận tải chưa được kết nối đồng bộ.

“Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam, nhưng nếu đầu tư cơ sở hạ tầng không theo kịp thì cũng không có ý nghĩa gì. Với địa hình đặc thù có nhiều sông ngòi, các doanh nghiệp thể khai thác hệ thống sông ngòi ở Việt Nam để phát triển logistic tốt hơn, đây cũng là một hướng để các doanh nghiệp đầu tư vào”, ông Hans Kerstens chỉ rõ.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp IDC, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), để các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu ngoài việc tạo ra sản phẩm có thương hiệu, có chất lượng đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, cần tham gia các sự kiện kết nối, chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tạo hồ sơ năng lực hấp dẫn, cải tiến năng suất, giảm chi phí sản xuất, cạnh tranh sản phẩm bằng giá và chất lượng.

“Hiện hoạt động của doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng đơn thuần tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, trong khi 1 doanh nghiệp dạng này vừa có thể sản xuất, cung ứng linh phụ kiện cho nhiều doanh nghiệp cùng một lúc. Tương lai Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi xuất khẩu phụ tùng linh kiện toàn cầu, vì thực tế cho thấy, dù Việt Nam chưa có FTA với Mỹ những thị trường này đã chiếm tới 17,6% sản lượng hàng hóa xuất khẩu”, bà Thúy cho hay./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quy-dinh-xuat-xu-hang-hoa-cua-viet-nam-van-bi-nhieu-thi-truong-xem-nhe-968157.vov