Quy đổi điểm trong xét tuyển đại học 2025 có ảnh hưởng quyền lợi thí sinh?

Theo Bộ GD&ĐT, quy tắc đổi tương đương giữa các phương thức tuyển sinh đại học 2025, nhằm đảm bảo sự tương đương về đánh giá năng lực của thí sinh giữa các phương thức xét tuyển vào cùng một ngành.

Còn băn khoăn về quy đổi điểm tương đương

Về phương án quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển về một thang chung, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc dữ liệu học bạ THPT làm gốc để xây dựng quy tắc quy đổi điểm xét tuyển năm 2025 nhằm bảo đảm tuyển chọn được các thí sinh đáp ứng tốt nhất yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng các thí sinh không cần phải lo lắng về việc quy đổi điểm. Ảnh minh họa.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng các thí sinh không cần phải lo lắng về việc quy đổi điểm. Ảnh minh họa.

Căn cứ dữ liệu thống kê, phân tích kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển theo các tổ hợp các năm trước như thống kê số lượng thí sinh trúng tuyển theo từng phương thức xét tuyển tối thiểu 2 năm trước liền kề; kết quả học tập của sinh viên tại trường. Dựa trên phương án nêu trên, đồng thời căn cứ quy tắc chuẩn được Bộ GD&ĐT công bố sau khi có kết quả thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường căn cứ đặc thù của chương trình đào tạo, ngành, nhóm ngành hoàn thiện quy tắc quy đổi của trường.

Hiện một số trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đang dự kiến phương án quy đổi điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy với điểm của phương thức thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, công thức quy đổi được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng trên một biểu đồ, thí sinh có thể nhập điểm kỳ thi đánh giá năng lực vào để nhận kết quả quy đổi sang điểm thi THPT. Chẳng hạn, 6 điểm kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tương đương 7,25 điểm thi tốt nghiệp THPT; 7 điểm thi đánh giá năng lực sẽ tương đương 8 điểm thi tốt nghiệp THPT; 8 điểm thi đánh giá năng lực sẽ tương đương 8,67 điểm tốt nghiệp THPT... Hiện nhiều trường vẫn đang xây dựng phương án quy đổi cho phù hợp.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, quy định này sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc triển khai thực hiện, bởi lẽ bài thi tốt nghiệp THPT và các bài thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các trường ĐH tổ chức có bản chất khác nhau; yêu cầu kiến thức khác nhau và phổ điểm cũng không giống nhau. Do đó việc quy đổi tương đương trong trường hợp này là thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và không mang lại nhiều giá trị. Nên chăng Bộ tiếp tục cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT để các trường sử dụng làm căn cứ chính trong tuyển sinh, sau đó các trường đặc thù, yêu cầu chất lượng đầu vào cao có thể thêm các tiêu chí phụ để lựa chọn thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Bộ GD&ĐT lý giải gì?

Trước những băn khoăn về quy định quy đổi điểm tương đương trong xét tuyển đại học 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, quy chế của Bộ GD&ĐT không bắt buộc các trường phải quy đổi tương đương toàn bộ thang điểm của các phương thức xét tuyển. Thay vào đó, Bộ chỉ yêu cầu quy đổi điểm trúng tuyển cuối cùng, nhằm đảm bảo sự tương đương về đánh giá năng lực của thí sinh giữa các phương thức xét tuyển vào cùng một ngành.

"Chúng ta cần xác định, với một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, các điểm chuẩn trúng tuyển của các phương thức phải bảo đảm mức độ tương đương về đánh giá năng lực của thí sinh cũng như ngành học. Yêu cầu này xuất phát từ những bất cập lớn của các năm trước khi các trường xét điểm chuẩn trúng tuyển theo chỉ tiêu. Việc phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức hầu như rất khó có căn cứ nhưng các năm trước điểm chuẩn đã được quyết định bởi chỉ tiêu. Việc đưa ra điểm chuẩn dựa trên phân tích và quy đổi tương đương khoa học và bảo đảm tính công bằng hơn rất nhiều so với việc quyết định điểm chuẩn qua phân chia chỉ tiêu", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Lý giải về ý kiến cho rằng không thể quy đổi điểm giữa các kỳ thi khác nhau, Thứ trưởng Sơn thừa nhận điều này chỉ đúng khi các kỳ thi đánh giá năng lực hoàn toàn khác nhau của thí sinh. Tuy nhiên, nếu các phương thức xét tuyển đều nhằm đánh giá năng lực thí sinh vào cùng một ngành, thì phải đặt ra yêu cầu giống nhau về năng lực cốt lõi. Nếu kết quả thi không đánh giá được đúng năng lực cốt lõi, yêu cầu của thí sinh để học một chương trình đào tạo thì việc dùng phương thức đó là không có căn cứ. Còn nếu đã dùng một phương thức nào thì phải đánh giá cùng những năng lực cốt lõi của thí sinh. Như vậy, các phương thức dùng để xét tuyển thí sinh vào một ngành dù có khác nhau về cách đánh giá nhưng phải đánh giá được cùng một năng lực cốt lõi của thí sinh. Vì vậy, điểm chuẩn trúng tuyển phải quy đổi được.

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng cho rằng các thí sinh không cần phải lo lắng về việc quy đổi điểm. Phần mềm xét tuyển chung của Bộ sẽ tự động chọn tổ hợp và phương thức xét tuyển tốt nhất cho từng thí sinh. Các trường đại học sẽ công bố công khai việc quy đổi điểm và Bộ GD&ĐT sẽ giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính hợp lý.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quy-doi-diem-trong-xet-tuyen-dai-hoc-2025-co-anh-huong-quyen-loi-thi-sinh-192250404081911895.htm