Quy đổi IELTS 4.0 sang điểm 10 là khuyến khích học sinh tiếp cận ngoại ngữ chuẩn quốc tế
Việc quy đổi nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đưa chuẩn tiếng Anh của Việt Nam tiệm cận với các tiêu chuẩn của thế giới.
Quy đổi IELTS 4.0 thành 10 điểm không tạo ra sự thiếu công bằng giữa các thí sinh
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Theo hướng dẫn, đối tượng được miễn làm bài thi môn Ngoại ngữ là thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 27/6/2023.
Đối với môn Tiếng Anh, thí sinh cần có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ sau: TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm trở lên do ETS cấp hoặc IELTS 4.0 điểm trở lên do IDP hoặc Hội đồng Anh cấp. Các điểm này cũng được tự động quy đổi thành 10 điểm thi môn Ngoại ngữ.
Tuy nhiên, việc quy đổi IELTS 4.0 thành điểm 10 chỉ có giá trị xét tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Công dân và Khuyến học, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng, việc quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp là hợp lý. Bởi mục đích của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là đánh giá năng lực của học sinh sau 12 năm.
Theo chuẩn đầu ra, học sinh sau khi tốt nghiệp cần có khả năng sử dụng ngoại ngữ ở bậc 3 trên khung 6 bậc. Tham chiếu như vậy, mức độ B1 sẽ tương đương với IELTS 4.0.
Thứ hai, hiện nay kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không còn giữ vai trò là kỳ thi "2 trong 1". Các trường đại học đã chủ động đưa ra nhiều hình thức tuyển sinh, trong đó có một số phương thức không sử dụng kết quả của kỳ thi này. Mặt khác, điểm 10 quy đổi từ các chứng chỉ quốc tế không được sử dụng để xét tuyển đại học. Thí sinh muốn có điểm xét tuyển đại học, bắt buộc phải làm bài thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, để được các cơ sở giáo dục đại học ưu tiên xét tuyển, thí sinh phải đạt từ 5.5-6.5 IELTS trở lên. Như vậy, việc quy đổi này sẽ không gây ra tác động tiêu cực hay thiếu công bằng cho thí sinh trong xét tuyển đại học.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng IELTS chỉ dành cho học sinh tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế tốt. Vì vậy, xét tốt nghiệp bằng IELTS chưa tạo ra sự công bằng giữa các thí sinh trên toàn quốc. Ông Bùi Khánh Nguyên đánh giá, chưa vội đề cập đến cơ hội tiếp cận các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế giữa các học sinh.
Thực tế cho thấy điều kiện học tập của học sinh khu vực thành phố vốn luôn thuận lợi hơn các địa phương khác. Vì vậy, nếu thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ, điểm thi của các em chắc chắn vẫn sẽ cao hơn thí sinh ở vùng khó.
Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên
Bài toán đặt ra cho những người làm giáo dục là phải tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, để điểm thi môn Ngoại ngữ giữa các địa phương không chênh lệch lớn như hiện nay.
Thứ ba, việc quy đổi điểm các chứng chỉ ngoại ngữ sang điểm thi tốt nghiệp là một biện pháp khuyến khích học sinh tiếp cận tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Bởi học sinh Việt Nam đã quen với truyền thống học gì thi nấy, học để lấy điểm cao nên chưa chú trọng đến vận dụng kiến thức vào thực tế.
Do nhiều nguyên nhân, việc tổ chức thi môn Ngoại ngữ chỉ dừng lại ở kiểm tra kỹ năng đọc, viết, hầu hết tập trung vào từ vựng và ngữ pháp. Trong khi đó, các chứng chỉ quốc tế đòi hỏi người học phải vận dụng được 4 kỹ năng bao gồm nghe, nói, đọc, viết. Như vậy, việc cho phép quy đổi điểm IELTS sang điểm thi tốt nghiệp là biện pháp đưa chuẩn tiếng Anh của Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới, nâng cao chất lượng dạy và học.
Phụ huynh, học sinh cần cân nhắc phương thức thi phù hợp với năng lực
Theo ông Bùi Khánh Nguyên, tuy có nhiều ưu điểm song không thể phủ nhận các kỳ thi chứng chỉ quốc tế sẽ có độ vênh nhất định so với kỳ thi tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa ra những cơ sở về quy đổi điểm để tháo gỡ băn khoăn, lo lắng cho phụ huynh và học sinh.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu kỹ để thực hiện các quy định mới theo lộ trình lâu dài trong 5 năm, 10 năm thay vì đưa ra một chính sách mới vào thời điểm gần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp dễ dẫn đến tranh cãi.
Miễn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ mở ra một hướng đi mới, giúp thí sinh có nhiều thời gian tập trung ôn tập những môn học khác.
Tuy nhiên, phụ huynh nên cân nhắc đến năng lực của học sinh. Bởi chi phí học tập cũng như lệ phí thi các chứng chỉ quốc tế tương đối lớn nhưng không phải học sinh nào cũng có thể đạt điểm cao.
Vì vậy, để tránh lãng phí cũng như gây áp lực cho thí sinh, phụ huynh và giáo viên nên định hướng, chọn phương thức thi phù hợp với năng lực của người học.