Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội: Điểm tựa vững chắc cho kinh tế nông thôn

Trong bối cảnh nông nghiệp, nông dân không ngừng chuyển mình, Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội trở thành điểm tựa vững chắc cho hội viên khi cung cấp nguồn vốn sản xuất, giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Qua đó cho thấy, Quỹ hỗ trợ nông dân đã làm tốt việc huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn; quản lý khoa học, minh bạch, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp...

Đại diện Hội Nông dân thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây thăm mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây).

Đại diện Hội Nông dân thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây thăm mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây).

Quản lý hiệu quả, minh bạch

Nhằm tăng trưởng nguồn vốn, ngoài huy động nội lực của các cấp Hội, Hội Nông dân huyện Gia Lâm chủ động lập tờ trình báo cáo huyện bổ sung ngân sách cho Quỹ hỗ trợ nông dân. Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Gia Lâm hiện có tổng nguồn vốn 44,356 tỷ đồng, trong đó thành phố ủy thác 33 tỷ đồng; quỹ vận động của huyện là 8,99 tỷ đồng; quỹ vận động của xã 2,366 tỷ đồng. Hiện quỹ đang hỗ trợ hàng trăm hộ vay vốn với khoảng 50 dự án phát triển sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn cho biết, để nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và cấp trên, Hội phát huy vai trò trong việc xây dựng các mô hình kinh tế nông thôn hiệu quả. Công tác tài chính, kế toán được thực hiện đúng quy định, minh bạch và hiệu quả. Hội Nông dân huyện và cơ sở thực hiện tốt quy trình bình xét, thẩm định các hộ vay, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả...

Tại huyện Ba Vì, từ năm 2009, ngân sách huyện đã cấp cho Quỹ hỗ trợ nông dân tổng số tiền 5,4 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện và cơ sở đạt 10,055 tỷ đồng, hỗ trợ 255 hộ vay ở 46 dự án. Ngoài ra, huyện còn quản lý tốt nguồn vốn từ cấp trên với tổng dư nợ 50,25 tỷ đồng. Hội viên nông dân Chi hội 3 xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) Nguyễn Trọng Hiến chia sẻ, nhờ vốn quỹ hỗ trợ, gia đình đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu như cây ăn quả, nuôi gà thả vườn, nuôi trồng thủy sản. Hội Nông dân cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay gắn với hỗ trợ nhiều khâu nên nông dân rất yên tâm khi sử dụng đồng vốn này.

Cũng nói về hiệu quả của Quỹ hỗ trợ nông dân, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sơn Tây Khuất Văn Sỹ cho biết, việc quản lý quỹ được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân được các cấp Hội sử dụng để tập trung xây dựng, phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị, kinh tế tập thể. Hội viên được tổ chức tập huấn kỹ thuật, tham quan mô hình, tọa đàm trao đổi học tập kinh nghiệm, hướng dẫn quản lý, sử dụng tốt nguồn vốn vay...

Hướng tới phát triển bền vững

Từ đồng vốn ít ỏi ban đầu, qua 28 năm hình thành, phát triển, hiện nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội đang quản lý là hơn 785 tỷ đồng, lớn nhất cả nước và có số hội viên nông dân hưởng lợi nhiều nhất. Trưởng ban Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho hay, Quỹ hỗ trợ nông dân giúp hội viên nông dân có vốn phát triển sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các mô hình sản xuất theo nhóm hộ, phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn...

Hiện, hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn Hà Nội chuyển biến rõ rệt, đi vào nền nếp. Công tác thu hồi vốn đến hạn, giải ngân nguồn vốn mới và quay vòng vốn được thực hiện kịp thời, đúng tiến độ. Công tác cho vay vốn được thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn...

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường, việc tăng trưởng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cấp cơ sở chưa đồng đều. Công tác quản lý, kiểm tra giám sát, thông tin báo cáo hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân ở một số đơn vị còn chậm. Nguồn vốn quỹ lớn trong khi số lượng cán bộ làm công tác quản lý quỹ ở các cấp còn thiếu...

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Phong (huyện Ba Vì) Trần Thị Ngọc Bích cho biết thêm, việc thực hiện Nghị định số 37/2023/NĐ-CP về lĩnh vực cho vay của Quỹ hỗ trợ nông dân mới chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp khiến đối tượng cho vay bị thu hẹp. Những địa phương có thế mạnh về làng nghề, dịch vụ lại chưa được vay vốn...

Để duy trì, phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Hùng đề xuất, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ. Hội cần tiếp tục vận động nguồn lực từ Nhà nước, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng để bổ sung vốn; hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ mới, nâng cao năng suất và tham gia vào chuỗi giá trị nông sản. Quỹ hỗ trợ nông dân cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm vốn được sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả tốt nhất...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quy-ho-tro-nong-dan-thanh-pho-ha-noi-diem-tua-vung-chac-cho-kinh-te-nong-thon-672365.html