Quỹ hỗ trợ nông dân tiếp sức nhà nông làm giàu
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã tác động tiêu cực đến đời sống nông dân. Đây vốn là bài toán nan giải đối với nhiều nông hộ hiện nay khi triển khai đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu thị trường và sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn của quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, Hội Nông dân huyện Bù Đăng đã chủ động triển khai mô hình sản xuất liên kết, hướng tới xây dựng nguồn nguyên liệu quy mô lớn, góp phần tạo đầu ra ổn định lâu dài cho nông sản.
Không thành công khi chăn nuôi trâu, bò, heo rừng lai nên khi được giới thiệu mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, bước đầu anh Hoàng Văn Phượng ở thôn 4, xã Đồng Nai rất e ngại vì vốn đầu tư lớn, lại chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc loại vật nuôi này. Tuy nhiên, với sự định hướng về nhu cầu thị trường, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ ban đầu 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, anh Phượng đã đầu tư nuôi 6 con hươu sao. Anh Phượng chia sẻ: “Lợi thế lớn nhất khi triển khai mô hình này là nguồn thức ăn được tận dụng tại chỗ, chăm sóc cũng dễ. Ngoài nguồn thu khoảng 20 triệu đồng/kg từ bán nhung hươu, sau gần 8 tháng nuôi, hươu bắt đầu sinh sản nên chúng tôi rất kỳ vọng vào mô hình này”.
Những năm gần đây, khi quá trình canh tác của nông dân trên địa bàn gặp nhiều bất lợi do yếu tố thời tiết, giá bấp bênh, từ số vốn 850 triệu đồng được Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh ưu tiên phân bổ, Hội Nông dân xã Đồng Nai đã chủ động tìm kiếm những mô hình phù hợp, định hướng cho 20 hộ liên kết nuôi hươu sao, dê; cải tạo, tái canh vườn điều. Vốn được bố trí kịp thời là nguồn lực không nhỏ giúp các hộ đầu tư, yên tâm gắn bó và tiến tới mở rộng mô hình.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế người dân. Nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh thật sự rất có ý nghĩa đối với nhiều nhà nông trên địa bàn. Từ nguồn vốn do quỹ hỗ trợ, gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn 5, xã Đồng Nai cũng đã đầu tư nuôi hươu. Đàn hươu của gia đình ông chỉ mới nuôi gần 1 năm nhưng đã thu 50 triệu đồng, giúp trang trải phần nào chi phí trong giai đoạn khó khăn. Còn anh Đinh Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Nai cho biết: “Nuôi dê, hươu hiện nay rất thuận lợi và hiệu quả. Trăn trở lớn nhất của chúng tôi là sự ổn định về đầu ra lâu dài. Bởi nuôi dê, hươu rất phù hợp với khí hậu ở Bình Phước. Người trồng tiêu có thể tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ từ nọc tiêu để nuôi dê, còn hươu thì trồng xen cỏ quanh nhà cũng đủ làm thức ăn cho chúng. Nói chung nguồn thức ăn không thiếu, còn hiệu quả thì có thể thấy rõ khi giá dê, nhung hươu hiện nay trên thị trường luôn ở mức cao”.
Đến nay, ngoài số vốn 450 triệu đồng của Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cũng đã giải ngân gần 3 tỷ đồng để hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn huyện Bù Đăng. Địa phương cũng đã bố trí ngân sách huyện và nguồn vận động trên 2,5 tỷ đồng để giúp nông dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp.
Để tăng cường nguồn lực cho nông dân, trợ giúp nhà nông vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đăng cho biết, tới đây hội tiếp tục kêu gọi, vận động để bổ sung nguồn vốn hỗ trợ, trong đó bao gồm nguồn quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương, tỉnh cũng như các nguồn của huyện để xây dựng thêm mô hình. Qua đó, tạo điều kiện cho hội viên nông dân tham quan, học tập, nhân rộng làm giàu.
Chuyển biến rõ nét có thể nhận thấy qua các mô hình đã và đang triển khai là vai trò của hội nông dân các cấp đã được phát huy hiệu quả, khi định hướng nông dân trong việc lựa chọn, đầu tư cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có lợi thế khi gia nhập thị trường. Về lâu dài, những mô hình này sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng cho việc xây dựng vùng nguyên liệu có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường khi có sự định hướng, đầu tư có trọng điểm từ các cơ quan chức năng.