Quy hoạch báo chí, xuất bản phải thực chất và khả thi

Sáng 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo về dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp về dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp về dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: VGP)

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, dự thảo Quy hoạch phải làm rõ ba vấn đề: Tầm quan trọng của đối tượng được quy hoạch; mục tiêu, định hướng phát triển trong tương lai; giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra. Nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn, nhạy cảm, Phó Thủ tướng giao cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch theo nguyên tắc phải bảo đảm thực chất, có tính mở và khả thi trong thực hiện nhưng không xung đột với các quy định, quy hoạch khác; đối với những nội dung mới so với chủ trương của các cấp có thẩm quyền, cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm và trình xin chủ trương của cấp có thẩm quyền trước khi đưa vào dự thảo Quy hoạch.

Phó Thủ tướng chỉ đạo cơ quan soạn thảo cũng cần chỉ ra định hướng tháo gỡ những vướng mắc về nguồn lực và hành lang pháp lý để thực hiện Quy hoạch này; đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cơ quan soạn thảo tiến hành trao đổi nghiêm túc với các cơ quan, địa phương liên quan, hiệu quả nhất là trao đổi trực tiếp thay vì trao đổi bằng văn bản; đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông chủ trì, bảo đảm hoàn tất dự thảo và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch trước ngày 30/6/2024; giao Bộ Thông tin và Truyền thông trình cấp có thẩm quyền chủ trương sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025...

Chiều 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Phó Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Nikolayevich Chernyshenko.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng các cuộc tiếp xúc, làm việc của Phó Thủ tướng Dmitry Nikolayevich Chernyshenko trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực ở mức độ cao hơn, sâu sắc hơn giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Phó Thủ tướng cho biết, kể từ Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, các thỏa thuận tại Biên bản Khóa họp đều được hai bên nỗ lực triển khai thực hiện; nhất là trong những lĩnh vực hợp tác truyền thống như: Ngoại giao, thương mại, năng lượng, giáo dục và đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa, thể thao và du lịch... Đáng chú ý, hai bên đã nỗ lực nghiên cứu, đưa ra những giải pháp khả thi để giải quyết khó khăn, vướng mắc khi triển khai các lĩnh vực hợp tác mới. Doanh nghiệp Nga và Việt Nam đã có nhiều đề xuất, sáng kiến để thúc đẩy đầu tư, kinh doanh ở cả hai nước.

Phó Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Nikolayevich Chernyshenko đã trao đổi cụ thể về các biện pháp nhằm mở rộng hoạt động, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai nước dựa trên thế mạnh của mỗi nước như dầu khí, năng lượng, sản phẩm nông nghiệp, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, du lịch...

Hai Phó Thủ tướng cũng thống nhất hai bên cần triển khai hoạt động, dự án thiết thực để quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương...

* Sáng 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Sergey Kudryashov, Tổng Giám đốc Công ty dầu khí Zarubezhneft (Liên bang Nga).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao kết quả hoạt động của các doanh nghiệp liên doanh giữa Zarubezhneft và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào quan hệ kinh tế Việt Nam và Nga; mong muốn Zarubezhneft và PVN sẽ có những đề xuất thiết thực, nhằm nâng cao hơn nữa tầm vóc hợp tác về dầu khí, năng lượng, lĩnh vực được lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm thúc đẩy. Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các cấp, các ngành để giải quyết khó khăn, vướng mắc, bao gồm cả việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, cắt giảm những thủ tục không cần thiết; cho rằng, các bộ, ngành, Zarubezhneft và các doanh nghiệp, đối tác cần tiếp tục đưa những nguyên tắc trong mối quan hệ hợp tác toàn diện, đặc biệt tin cậy giữa hai nước vào trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án đầu tư, hợp tác mới tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng mong muốn Zarubezhneft quan tâm đầu tư các dự án năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, sản xuất các nhiên liệu mới như hydro xanh, amoniac xanh... và tận dụng hạ tầng, cơ sở vật chất của các giàn khoan dầu khí; Zarubezhneft và PVN cần ưu tiên quan tâm đầu tư, nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất các loại nhiên liệu xanh mới từ năng lượng tái tạo - “chìa khóa” để thế giới chuyển đổi xanh.

Ông Sergey Kudryashov đã báo cáo với Phó Thủ tướng về tình hình hoạt động của các liên doanh Vietsovpetro và Rusvietpetro giữa Zarubezhneft và PVN cũng như một số dự án khác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tại Việt Nam, kiến nghị, đề xuất Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

* Sáng 19/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Nghị định quy định về: Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Đối với Nghị định về cơ chế DPPA, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương làm rõ trách nhiệm của ngành điện trong bảo đảm an toàn hệ thống khi cung cấp dịch vụ truyền tải qua lưới điện quốc gia giữa người bán và người mua điện tái tạo trực tiếp; theo dõi, cập nhật, đưa ra số liệu chính xác về khả năng truyền tải, phụ tải ở từng vùng và tiến hành điều chỉnh quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo... Dự thảo Nghị định cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thiết bị lưu trữ điện tại các nhà máy, trang trại điện mặt trời để trở thành nguồn điện nền được huy động với mức giá vào giờ cao điểm; hình thành cơ sở dữ liệu, xác định, công bố sản lượng điện tái tạo tiêu thụ của từng khách hàng, làm cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp tín chỉ xanh cho doanh nghiệp...

Về dự thảo nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính (thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt...) cho người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp đầu tư thiết bị lưu trữ điện để bán lại cho EVN với giá điện nền huy động vào giờ cao điểm; đơn giản hóa thủ tục; quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên các công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công; tính toán giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lưới điện đối với các công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu, cụm công nghiệp có công suất lớn...

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương phối hợp Bộ Xây dựng để xây dựng trình tự, thủ tục lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo tinh thần đơn giản hóa tối đa; quản lý chặt chẽ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành quy chuẩn về năng lượng sạch, lắp đặt điện mặt trời mái nhà kèm hệ thống pin lưu trữ để chuyển thành nguồn điện nền khi cấp phép đầu tư xây dựng công trình dân dụng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quy-hoach-bao-chi-xuat-ban-phai-thuc-chat-va-kha-thi-post815182.html