Quy hoạch cây xanh đô thị dựa trên hiện trạng và sự đa dạng sinh học

'Quy hoạch cây xanh không chỉ là cây mà còn phải quan tâm đến đa dạng sinh học của đô thị.Cây xanh đô thị phải liền dải,nếu không sẽ triệt tiêu đa dạng sinh học'.TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định.

Cũng theo TS. Phạm Sỹ Liêm, quy hoạch cây xanh phải chú ý đến hiện trạng. Chủ trương xây dựng đô thị trên mảng đất trống là một lý luận sai lầm. Quy hoạch đô thị phải gần gũi với con người, cây xanh là một nhân tố tạo sự gần gũi trong đô thị.

Trên thực tế, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã học theo TP London (Vương quốc Anh) về hình thành vành đai xanh đô thị. Cây xanh góp phần hình thành nên không gian công cộng đô thị, trong quy hoạch đô thị, các nhà lập quy hoạch luôn coi công viên đô thị rất quan trọng.

Việc trồng cây xanh tại đô thị liên quan đến 2 vấn đề, quy hoạch đô thị và quản lý đô thị. Khi làm quy hoạch phải quan tâm đến cái đã có và sẽ có. Với phần đã có thì xem phải sửa gì rồi kết hợp với cái sẽ có. Đó là bản chất của quy hoạch, chúng ta quy hoạch cây xanh đô thị mà chỉ quan tâm chặt cái đã có mà không quan tâm đến cái sẽ có là không được.

Thảm xanh đô thị thể hiện một phần chất lượng sống người dân đô thị. Với một thủ đô như Hà Nội, có yếu tố văn hóa, tinh thần từ cây xanh đô thị. Và với một đô thị cây xanh góp phần tạo ra bản sắc riêng có.

GS.TS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam cũng cho rằng, bản sắc Hà Nội là cây xanh và hồ nước, điều này tạo nên sự khác biệt với các thành phố khác. Dù đã đến thủ đô của 30 nước, nhưng ít có thủ đô nào rộng như Việt Nam. Nhiều thủ đô đẹp nhưng không có được hồ và cây xanh như Hà Nội.

Người đại diện cho Hội Các ngành sinh học Việt Nam cảnh báo, bài học hồ biến mất, hồ bị lấp tại Hà Nội gây mưa lụt đã đau đớn lắm rồi. Giờ đến bài học cây xanh, việc Hà Nội không quan tâm ý kiến các nhà khoa học khi làm quy hoạch cây xanh là một đau xót.

Quy hoạch đó có nhất thiết phải chặt hạ hàng loạt cây xanh không? Tại sao không trồng mới cây xanh ở các tuyến phố mới chưa có cây mà lại đề xuất chặt bỏ nhiều cây lâu năm ở các tuyến phố cũ để trồng lại? Đó là vấn đề mà các nhà khoa học, người dân đang đi tìm câu trả lời.

Đánh giá về hệ thống cây xanh tại Hà Nội, ông Phạm Thanh Giang, Kỹ sư cao cấp về lâm nghiệp đô thị cho rằng, hệ thống cây xanh thủ đô đang nát, vụn. Ý tưởng cải tạo hệ thống cây xanh đô thị là đúng, nhưng chúng ta cần làm thí điểm một số tuyến. Không nhất thiết phải chặt đồng loạt, cũng không cần phải chặt theo khu vực ngoại ô hay trung tâm thành phố. Cần phải có hồ sơ sinh học mạng lưới cây xanh trên địa bàn, cây nào cần (sâu bệnh, mục nát, chết) thì thay thế trước.

Đồng quan điểm này, GS. Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Đô thị cho rằng, cần làm tốt công tác quản nhà nước về cây xanh đô thị theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư. Hai văn bản này đều nói rất rõ vấn đề báo cáo đánh giá tác động môi trường khi triển khai các dự án để tránh tình trạng lạm dụng chặt cây xanh khi đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng.

Là một thành viên của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, GS. Phạm Ngọc Đăng cho biết, dù Thành phố Hà Nội đang tiến hành chặt bỏ hàng loạt cây xanh trong phạm vi dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nhưng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án lại không đề cập đến việc chặt cây xanh.

UBND TP Hà Nội cho biết: Tại các tuyến phố và các công viên trên địa bàn thành phố hiện có hơn 100 loài cây, trong đó có 25 loài cây có số lượng cá thể lớn, có thể coi là cây xanh truyền thống như xà cừ, sữa, sấu, lát, muồng, chẹo, sếu, sưa đỏ, phượng, quyếch, nhội, bàng... Theo thống kê cụ thể thời điểm 2008, Hà Nội có khoảng 44.225 cây, xà cừ 5.306 cây, buồng 5.548 cây, bằng lăng 5.438 cây, phượng 3.797 cây, bàng 2.826 cây, chẹo 2.058 cây, sấu 2.209 cây...

Đức Tuân

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/quy-hoach-cay-xanh-do-thi-dua-tren-hien-trang-va-su-da-dang-sinh-hoc.html