Quy hoạch chi tiết Khu đô thị lấn biển Cần Giờ: yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược
UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư phân tích, dự báo xu hướng những tác động tích cực và tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường trên cơ sở đánh giá hiện trạng, quy hoạch phân khu chức năng; Dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu; Ưu tiên các giải pháp bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển và rừng ngập mặn…
UBND TP.HCM vừa ban hành các quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày 20.2.2021, UBND huyện cần Giờ phải phối hợp với Công ty cổ phần Đô thị Du lịch cần Giờ (nhà đầu tư - PV) công bố công khai nội dung nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định.
Khu đô thị du lịch biển cần Giờ có quy mô 2.870 ha, tại xã Long Hòa và thị trấn cần Thạnh, huyện cần Giờ. Theo 4 quyết định số 556, 557, 558, 559 duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu đô thị này:
Phân khu A với phía Đông giáp phân khu B và E; phía Tây giáp biển Đông (cửa sông Đồng Tranh); phía Nam giáp biển Đông; phía Bắc một phần giáp hành lang cây xanh cảnh quan đường dọc Biển Đông 1, đường dọc Biển Đông 2 và đường nội bộ ven biển Khu du lịch 30/4.
Tổng diện tích khu vực quy hoạch khoảng 771,05 ha. Trong đó, đất công trình dịch vụ - công cộng cấp đô thị khoảng 269.696m2; Đất du lịch nghỉ dưỡng khoảng 776.071 m2; Đất sân golf: 1.466.814 m2; Đất cây xanh chuyên đề (vui chơi giải tri): 1.225.555m2; Đất công viên công cộng, cây xanh, vườn hoa đô thị khoảng 129.627m2; Đất an ninh quốc phòng: 29.194m2; Đất giao thông đô thị khoảng 1.524.223m2; Đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị: 86.608m2.
Phân khu A được quy hoạch thành khu vui chơi, giải trí (công viên chuyên đề, sân golf…), du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự, chung cư), thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, khu sử dụng hỗn hợp và an ninh quốc phòng được bố trí đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo Đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Quy mô dân số tối đa 65.113 người.
Phân khu B với phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp phân khu A; phía Nam giáp phân khu E; phía Bắc giáp hành lang cây xanh cảnh quan đường dọc biển Đông và đường nội bộ ven biển khu du lịch 30/4.
Tổng diện tích khu vực quy hoạch khoảng 586,88 ha. Trong đó, đất công trình dịch vụ - công cộng cấp đô thị khoảng 685.924m2; Đất công viên công cộng, cây xanh, vườn hoa đô thị: 166.499m2; Đất du lịch - nghỉ dưỡng: 1.201,964m2; Đất an ninh quốc phòng: 12.845m2; Đất giao thông đô thị khoảng 1.499.455m2; Đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị khoảng 191.960m2.
Phân khu B được quy hoạch là khu ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng…), khu cây xanh đô thị và khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo định hướng đô thị hiện đại và thông minh. Quy mô dân số tối đa là 71.268 người.
Phân khu C với phía Bắc giáp phân khu E, B; phía Nam giáp biển Đông; phía Đông giáp biển Đông (Vịnh Gành Rái); phía Tây giáp phân khu E, D thuộc quy hoạch Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Tổng diện tích khu vực quy hoạch khoảng 303,47 ha. Trong đó, đất trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, ngân hàng, tài chính, khách sạn, văn phòng, công nghệ cao,… khoảng 123.663 m2; Trường trung học phổ thông khoảng 20.650 m2; Đất trung tâm y tế khoảng 6.732 m2; Đất du lịch, nghỉ dưỡng khoảng 1.244.609 m2; Đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị khoảng 228.468 m2; Đất giao thông ngoài đơn vị ở khoảng 553.042 m2; Đất an ninh quốc phòng khoảng 1.000 m2; Đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật cấp đô thị: 73.727 m2.
Phân khu C được quy hoạch là khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự, nhà ở cao tầng) hiện đại, văn minh. Bố trí đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo Đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Quy mô dân số tối đa là 26.246 người.
Phân khu D, E có phía Bắc giáp phân khu A, B; phía Nam giáp biển Đông; phía Đông giáp phân khu B, C; phía Tây giáp phân khu A.
Tổng diện tích khu vực quy hoạch 1.208,60 ha (phân khu D là 449,82 ha; phân khu E là 758,78 ha). Trong đó, Khu D: Đất công trình dịch vụ cấp đô thị khoảng 647.102 m2; Đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị khoảng 564.859 m2; Đất giao thông ngoài đơn vị ở khoảng 852.296 m2; Đất an ninh quốc phòng khoảng 1.000 m2; Đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật cấp đô thị: 22.493 m2. Khu E: Đất công trình dịch vụ cấp đô thị khoảng 15.779 m2; Đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị (gồm mặt biển nhân tạo) khoảng 7.530.061 m2; Đất giao thông ngoài đơn vị ở khoảng 41.943 m2.
Phân khu D, E được quy hoạch là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự) đảm bảo tiêu chí hiện đại và thông minh. Bố trí đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo Đồ án quy hoạch phân khu đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Quy mô dân số tối đa là 65.879 người.
Trong các quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, UBND TP.HCM có yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược:
Đánh giá hiện trạng môi trường về điều kiện địa hình; điều kiện tự nhiên (bão, áp thấp nhiệt đới, đảo nhiệt, mưa, nước biển dâng ...), các vấn đề xã hội, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; các đặc điểm chuyển tiếp vùng bờ và vùng biển, sông rạch tiếp giáp khu quy hoạch (sông Hà Thanh, rạch Lở);
Phân tích, dự báo xu hướng những tác động tích cực và tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường trên cơ sở đánh giá hiện trạng, quy hoạch phân khu chức năng; Dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu; Ưu tiên các giải pháp bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển và rừng ngập mặn;
Đề xuất hệ thống các tiêu chí bảo vệ môi trường để đưa ra các giải pháp quy hoạch không gian, kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật tối ưu cho khu vực quy hoạch; Đề xuất bổ sung, điều chỉnh các vấn đề môi trường đã được nhận diện nhưng chưa được điều chỉnh trong đồ án; Đề ra các giải pháp cụ thể giảm thiểu, khắc phục tác động đến môi trường đô thị khi triển khai thực hiện quy hoạch;
Lập kế hoạch giám sát môi trường về kỹ thuật, quản lý và quan trắc môi trường; Cập nhật các nội dung đánh giá tác động do khai thác vật liệu tại chỗ phục vụ san lấp dự án đến môi trường và hệ sinh thái khu vực quy hoạch…
Minh Hoàng
Như Người Đô Thị đã thông tin, tại Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12.6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Cụ thể, điều chỉnh tên dự án từ “hệ thống công trình lấn biển và Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ” thành “Đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”.
Điều chỉnh quy mô dự án từ 600 ha thành 2.780 ha, với mục tiêu xây dựng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ trở thành khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn…
Tổng vốn đầu tư của dự án điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).
Thời hạn thực hiện dự án 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, và 50 năm kể từ ngày 11.7.2007 cho phần diện tích biển 600ha đã giao cho nhà đầu tư.
Địa điểm thực hiện dự án tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Tiến độ thực hiện 11 năm kể từ ngày có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM chỉ đạo nhà đầu tư Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ triển khai thực hiện dự án phải bảo đảm các vấn đề liên quan quốc phòng, an ninh; quy hoạch giao thông; thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng quy định pháp luật.
Đánh giá kỹ tác động của dòng chảy tự nhiên, sau khi dự án hoàn thành không tạo xói mòn cho khu vực khác và việc thoát nước của TP.HCM; đánh giá kỹ tác động việc khai thác, vận chuyển sử dụng vật liệu san lấp; tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn;
Tuân thủ các quy hoạch liên quan, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân vùng dự án, đóng góp tích cực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Cần Giờ, của TP.HCM về phát triển du lịch và kinh tế - xã hội, góp phần cản thiện, nâng cao đời sống nhân dân khu vực…