Quy hoạch đất nương rẫy giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống

Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 20.000 ha nương rẫy đang được người dân các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông canh tác sử dụng. Đây là tập quán canh tác lâu đời đã góp phần tự cung, tự cấp cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở miền núi.

 Nhờ quy hoạch đất nương rẫy, người dân đã chủ động sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: TN

Nhờ quy hoạch đất nương rẫy, người dân đã chủ động sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: TN

Tuy nhiên, canh tác nương rẫy truyền thống chỉ ổn định trong khi diện tích rừng tự nhiên còn lớn, chưa có sức ép về dân số và chưa có sự cạnh tranh sử dụng đất và rừng. Mặt khác năng suất lúa nương rẫy chỉ đạt trung bình 7-12 tạ/ha/vụ, năng suất ngô đạt trung bình 8-13 tạ/ha/vụ. Vậy nên nguồn lương thực (lúa, màu) thu hoạch từ nương rẫy mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu lương thực tại chỗ. Vì thế mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn ưu tiên ngân sách để quy vùng sản xuất nương rẫy cho các xã miền núi, nhằm tạo điều kiện cho người dân trong việc phát triển sản xuất đúng quy định. Đặc biệt đối với huyện Đakrông nơi có số đông người dân canh tác nương rẫy những năm qua đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt việc sản xuất nương rẫy theo vùng đã quy hoạch, nhờ đó góp phần hạn chế tình trạng du canh du cư, đốt nương làm rẫy của người dân.

Riêng đối với ngành lâm nghiệp của tỉnh, nhận thấy hiệu quả từ việc quy hoạch đất sản xuất nương rẫy đã hạn chế tình trạng người dân tự ý xâm hại đến rừng tự nhiên, năm 2019 Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai thực hiện việc quy hoạch trên 200 ha đất rừng tại tiểu khu 744 thuộc thôn A Vương, xã Tà Rụt để làm sản xuất nương rẫy cho các hộ dân trong thôn. Thôn A Vương hiện có 111 hộ, 497 khẩu, người dân tập trung chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào rừng nên đã gây áp lực lớn đến diện tích rừng tự nhiên. Nhằm giảm bớt áp lực đến diện tích rừng tự nhiên, Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát lại diện tích đất sản xuất nương rẫy để quy hoạch bàn giao cho 57 hộ dân có nhu cầu, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật canh tác như bón phân cho các loại cây trồng, nếu đất canh tác đã bạc màu thì chuyển sang trồng cây lâm nghiệp chứ không bỏ hoang. Sau khi tiến hành rà soát đo đạc lại diện tích đất nương rẫy, kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với UBND xã tổ chức tuyên truyền vận động người dân hiểu về việc sản xuất nương rẫy theo quy hoạch không vi phạm vào diện tích rừng tự nhiên, các hộ dân dùng đất đã quy hoạch để trồng sắn, ngô, lúa rẫy trên diện tích đã được quy định thay cho việc phát rừng để làm nương rẫy. Từ khi có chủ trương quy vùng đất sản xuất, hầu hết người dân yên tâm sản xuất trên diện tích được giao, hạn chế tình trạng chặt phá rừng tự nhiên để làm nương rẫy. Bên cạnh đó, ý thức về bảo vệ rừng cũng được nâng lên, người dân không còn tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.

Hai thôn A La và Ba Nang, thuộc xã Ba Nang, huyện Đakrông có diện tích quy hoạch sản xuất nương rẫy 220 ha. Theo tập quán canh tác người dân đốt từng khoảnh rừng để trồng lúa rẫy, ngô, sắn, đến khi đất bạc màu cho năng suất thấp thì chuyển sang đốt khoảnh rừng khác. Tình trạng đốt rừng làm rẫy tràn lan làm cho diện tích rừng ngày một thu hẹp, gây tổn hại nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái. Thực hiện chủ trương quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, diện tích rừng nói trên được chuyển đổi thành đất sản xuất, người dân yên tâm sản xuất ổn định. Sau khi diện tích đất khai hoang trồng lúa rẫy, ngô, sắn đã bạc màu, Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn trực tiếp về tận từng hộ dân để vận động và hướng dẫn cách trồng rừng sản xuất. Cùng với sự hỗ trợ về giống cây lâm nghiệp và phân bón của các chương trình 30a, định canh định cư…, đến nay phần lớn các diện tích đất nương rẫy đều chuyển sang trồng rừng sản xuất ổn định, không còn diện tích đất trống, hoang hóa. Nguồn lợi mang lại từ trồng rừng đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi. Một khi người dân không còn đốt rừng làm rẫy thì nguy cơ cháy rừng, xâm hại rừng giảm đáng kể.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Đakrông đã tiến hành quy hoạch được hơn 6.000 ha đất sản xuất nương rẫy với gần 4.000 hộ dân tham gia. Hầu hết các diện tích sau khi được quy hoạch người dân đã tổ chức sản xuất tốt hơn các loại cây trồng được chăm sóc đảm bảo, nhất là việc thâm canh và chuyển đổi một số loại cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế, nhờ đó mà cuộc sống của bà con có nhiều khởi sắc, ngăn chặn được nạn phá rừng để lấy đất sản xuất nương rẫy, đồng thời góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng của người dân.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trần Văn Tý cho biết thêm: “Thực tế đã cho thấy hiệu quả tích cực từ chủ trương quy hoạch đất nương rẫy của chính quyền địa phương có sự tham gia của lực lượng kiểm lâm đã giúp người dân ổn định sản xuất và hạn chế đáng kể tình trạng đốt, phá rừng. Kết quả này có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và ngành kiểm lâm trong việc nâng cao nhận thức cho người dân, tuy nhiên vẫn còn một số nơi ý thức của người dân chưa cao. Vẫn còn tình trạng theo tâm lý sản xuất người dân muốn tìm kiếm nơi sản xuất mới thay cho việc đầu tư thâm canh trên một thửa đất để tăng độ phì nhiêu của đất đai nên vẫn xảy ra tình trạng du canh. Do đó, ngành kiểm lâm tỉnh đã tích cực tham mưu chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân. Mặt khác cần phải tạo sinh kế, cải thiện điều kiện an sinh xã hội để giúp người dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập, hạn chế những tác động tiêu cực đến diện tích rừng, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn.”

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146521