Quy hoạch điện bị làm 'méo mó', đe dọa an ninh năng lượng quốc gia
Trong quy hoạch điện trước đây, quá nhiều dự án chậm tiến độ, không thể đưa vào cung ứng điện khiến cho việc đảm bảo an ninh năng lượng xuất hiện nhiều vấn đề.
Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, với mục tiêu phát triển mạnh năng lượng tái tạo và đảm bảo an ninh năng lượng trong nhiều năm tới. Tuy nhiên cần giải quyết nhiều vấn đề trong thời gian sớm để Quy hoạch điện VIII có thể đạt hiệu quả cao nhất, tránh đi vào “vết xe đổ” của những Quy hoạch điện trước. Nhận định được nhiều chuyên gia lưu ý tại Hội thảo tạo cơ chế, chính sách và giải pháp đảm bảo năng lượng bền vững tầm nhìn đến 2050, do Hiệp hội Năng lượng phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/7.
Loạt dự án chậm tiến độ
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề tồn tại nổi cộm của Quy hoạch điện trước đây là quá nhiều dự án chậm tiến độ, không thể đưa vào cung ứng điện, khiến cho việc đảm bảo an ninh năng lượng xuất hiện nhiều vấn đề. Kiểm điểm giai đoạn trên 10 năm phát triển nguồn điện vừa qua, có thể thấy các dự án điện chậm tiến độ do khó khăn trong huy động nguồn vốn, vướng mắc trong quy định pháp luật, cùng đó là sự chỉ đạo, điều hành từ các bộ ngành cũng chưa quyết liệt, chưa sử dụng triệt để quyền lực nhà nước để thúc đẩy các dự án bị vướng mắc, chậm trễ.
Ths. Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Hiệp hội năng lượng Việt Nam chỉ ra, vấn đề chậm tiến độ của các dự án điện trong nhiều năm là 1 trong những nguyên nhân chính, dẫn đến khó khăn trong cung cấp điện thời gian qua, thậm chí có những dự án chậm hàng chục năm chưa có phương án giải quyết.
Thống kê được Ths. Nguyễn Anh Tuấn công bố cho thấy, với điện khí, tổng công suất nguồn tua bin khí đã được Điều chỉnh Quy hoạch điện VII đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2030 là 26.640 MW tương ứng 20 dự án. Tuy nhiên, hầu hết các dự án quan trọng chậm tiến độ, như chuỗi khí-điện Lô B Ô Môn (3.750 MW) mới có Ô Môn I vào từ năm 2009, dự kiến đưa tua bin khí Ô Môn III vào từ năm 2012, sau Điều chỉnh Quy hoạch điện VII lùi đến 2020. Nhưng thực tế hiện nay, Dự án này đến này chưa giải quyết xong thủ tục vay vốn ODA từ Nhật Bản.
Đối với các dự án điện than, ông Tuấn chỉ ra có 37 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 35.112 MW đã phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự kiến vận hành trong giai đoạn 2016-2030. Nhưng thực tế kiểm lại cho thấy, có hàng chục dự án chậm tiến độ, như Nhiệt điện Sông Hậu I, Thái Bình II, Long Phú I, Na Dương II, An Khánh Bắc Giang, Quảng Trạch I, Nam Định I BOT…
Với điện mặt trời, trong thời gian ngắn các dự án phát triển quá “nóng” để kịp hưởng cơ chế giá ưu đãi, đã gây nghẽn mạch nhiều đường dây truyền tải, phải cắt giảm năng lượng. Đó là chưa kể một số dự án sai phạm do chưa hoàn thành đủ các thủ tục đầu tư xây dựng… “Nhiều dự án điện mặt trời đã được bổ sung trong điều chỉnh Quy hoạch và chưa triển khai xây dựng, nhưng Chính phủ đã dừng lại để rà soát. Vì vậy, từ nay đến năm 2030 chưa có thêm các nguồn điện mặt trời tập trung được đưa vào”, ông Tuấn thẳng thắn nêu.
Kế hoạch triển khai cần cụ thể, chi tiết
Bày tỏ quan điểm ủng hộ Quy hoạch điện VIII, nhưng lưu ý để tránh lặp lại sai lầm như quy hoạch trước, GS. Lê Chí Hiệp, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM nêu rõ cần xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, từng giai đoạn. Như hiện nay Bộ Công Thương đã đưa ra kịch bản lộ trình thực hiện nhưng vẫn chưa thực sự rõ ràng.
“Thẳng thắn nhìn lại Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh có nói nhưng làm không được, thậm chí phá vỡ quy hoạch. Tại sao có tình trạng này? Tại sao cán cân cung cầu điện bị phá vỡ, dẫn dến phải cắt giảm công suất, lưới điện không đủ năng lực truyền tải?”, GS. Lê Chí Hiệp đặt nhiều câu hỏi và cho rằng, muốn Quy hoạch điện VIII có hiệu quả, rất cần đưa khung thời gian cụ thể, số liệu, khu vực, lộ trình triển khai theo khung thời gian với từng loại hình năng lượng và phải có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Đại diện Hiệp hội năng lượng, Ths. Nguyễn Anh Tuấn đề xuất, Bộ Công Thương cần thiết lập kế hoạch chi tiết trong 5 năm tới để triển khai các công tác phân quy mô các nguồn năng lượng tái tạo từ vùng tới các tỉnh; đảm bảo sớm lựa chọn được chủ đầu tư các dự án quan trọng cũng như các dự án điện sạch; có biểu giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện đồng bộ.
Đặc biệt, với các dự án nguồn điện quan trọng quốc gia, cần thiết có chế độ giám sát nghiêm ngặt từ Chính phủ, Bộ Công Thương, không để xảy ra tình trạng dự án chậm nhiều năm. Riêng với chuỗi khí - điện Lô B Ô Môn và Cá Voi Xanh, các cấp thẩm quyền cần vào cuộc để chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc nhằm tránh chậm trễ thêm nguồn điện khí nội địa, tăng cường an ninh và giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Với các dự án điện khí hóa lỏng LNG, vì đây là loại hình nguồn điện thay thế điện than, giảm phát thải CO2, Ths. Tuấn đề xuất lập kế hoạch chi tiết về địa điểm, chọn chủ đầu tư. Trong đó, Bộ Công Thương chỉ đạo, hỗ trợ cũng như giám sát tối đa chủ đầu tư trong quá trình đầu tư; sớm sàng lọc, loại bỏ các chủ đầu tư kém năng lực hoặc triển khai kiểu cầm chừng. “Với nhu cầu phát triển thêm gần 20.000 MW điện khí LNG từ nay đến năm 2030, nếu không thực hiện tốt cả việc chỉ đạo, hỗ trợ lẫn giám sát sẽ không thể thực hiện”, Ths. Tuấn khuyến nghị.