Quy hoạch điện VIII: Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương
Để hiện thực hóa mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, ngoài trách nhiệm 'đầu tàu' của Bộ Công Thương, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) nói chung và triển khai các dự án điện khí (tự nhiên và LNG) nói riêng đóng vai trò đặc biệt quan trọng với an ninh năng lượng quốc gia. Việc sớm hoàn thành các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII giúp đảm bảo nguồn cung ổn định, tăng khả năng ứng phó khẩn cấp, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các nhà máy điện khí, đảm bảo thành công của Quy hoạch điện VIII, sự phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm giữa Bộ Công Thương, các bộ ngành khác và các địa phương là rất quan trọng. Chỉ khi tất cả các bên liên quan hợp tác một cách hiệu quả, việc triển khai các dự án điện khí và thực hiện Quy hoạch điện VIII mới có thể đạt được kết quả tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu năng lượng của đất nước một cách bền vững.
“Đầu tàu” Bộ Công Thương
TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quy hoạch điện VIII là những cơ sở quan trọng để định hướng phát triển ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam. Trong triển khai Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đóng vai trò “tổng tư lệnh” ngành công nghiệp nói chung và ngành năng lượng nói riêng.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật. Đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch dựa trên tiêu chí, luận chứng quy định tại quyết định này để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch. Vai trò này bao gồm đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, giám sát chất lượng công trình, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và đảm bảo tính ổn định và an toàn của hệ thống điện quốc gia.
“Với vai trò quan trọng này, Bộ Công Thương góp phần mạnh mẽ vào việc thúc đẩy tiến độ xây dựng, vận hành các dự án điện khí đã được nêu trong Quy hoạch điện VIII, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước”, TS Kiệt nhấn mạnh.
Vẫn theo TS Kiệt, trong Quy hoạch điện VIII đã xác định đến năm 2030, nguồn điện khí (điện khí LNG khoảng 14,9%) chiếm khoảng trên 24% tổng công suất nguồn điện, góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và nâng cao tính ổn định và an toàn cho hệ thống điện quốc gia.
Điều này phù hợp xu hướng phát triển năng lượng của thế giới, khi vai trò của điện than sẽ được thay thế bằng điện khí. Điện khí được xem là một nguồn năng lượng sạch hơn so với điện than. Việc chuyển sang sử dụng điện khí sẽ giúp giảm lượng khí thải CO, bụi và các chất gây ô nhiễm khác, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ điện khí cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình thay thế này. Công nghệ liên quan đến khí tự nhiên và khí hóa lỏng (LNG) đã phát triển mạnh mẽ, cho phép việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng điện khí trở nên hiệu quả và tiện lợi hơn.
“Nhìn chung sự đa dạng hóa nguồn cung cấp điện từ các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII giúp tăng cường độ tin cậy và ổn định của hệ thống điện quốc gia”, TS Ngô Tuấn Kiệt nhận định.
Cần giao nhiệm vụ chính trị cho bộ, ngành, địa phương
Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng nhấn mạnh, để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII trong việc triển khai quy hoạch điện khí và chuyển đổi từ điện than sang điện khí, ngoài trách nhiệm đầu tàu của Bộ Công Thương, vai trò của các địa phương và các bộ ngành khác cực kỳ quan trọng.
Quy hoạch điện VIII là một quy hoạch tổng thể, do đó, sự hợp tác và phối hợp giữa Bộ Công Thương, các địa phương và các bộ ngành khác là cần thiết để đảm bảo hiệu quả cũng như sự thành công của quy hoạch. Các tỉnh thành có vai trò quan trọng trong việc triển khai các dự án điện khí trong địa phận tỉnh mình. UBND các tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị tư vấn chuyên ngành xem xét và đề xuất các vị trí phù hợp cho nhà máy điện khí, phối hợp với các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Các địa phương có trách nhiệm giám sát việc thực hiện dự án, đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và an toàn năng lượng.
Các bộ ngành khác, chẳng hạn như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp… cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai quy hoạch điện khí. Các bộ ngành này tham gia đánh giá, phê duyệt và giám sát các khía cạnh liên quan đến tài nguyên, môi trường, phòng cháy chữa cháy… của các dự án điện khí.
Đáng chú ý, theo TS Kiệt, để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa Bộ chủ quản và các bộ ngành địa phương liên quan rất cần cơ chế phân giao trách nhiệm cụ thể và có sự kiểm tra giám sát thường xuyên. Điều này giúp mỗi chủ thể có liên quan đến thực hiện dự án theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt nhận thức rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc triển khai các dự án điện khí.
Thay vì chỉ giao phối hợp với Bộ Công Thương, trong kế hoạch triển khai quy hoạch nói chung và từng dự án điện khí nói riêng cần giao nhiệm vụ chính trị cụ thể đối với mỗi đơn vị, bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện dự án. Mỗi đơn vị sẽ chịu trách nhiệm đối với phần công việc và nhiệm vụ được giao, và phải hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
“Qua việc giao nhiệm vụ chính trị, các đơn vị sẽ nhận thức rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, cũng như có cam kết và trách nhiệm tạo nên sự thành công của dự án. Điều này giúp tăng tính minh bạch, sự chủ động và hiệu quả trong quá trình triển khai. Việc giao nhiệm vụ và trách nhiệm cần được cân nhắc đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với quy định, đồng thời tăng cường sự phối hợp và tương tác giữa các đơn vị để đạt được sự thống nhất và hiệu quả tốt nhất. Sự cộng tác và liên kết giữa các bên liên quan là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công của dự án điện khí và Quy hoạch điện VIII”, TS Kiệt nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng LNG
Ngày 24/6, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo PVPower và lãnh đạo các tỉnh: Bạc Liêu, Long An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Bình, Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã báo cáo tiến độ triển khai, cũng như những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí LNG tại địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và lãnh đạo địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết. Bộ Công Thương sẽ lập các Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là khẩn trương tiến hành thẩm định và thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi nhà đầu tư trình đủ hồ sơ dự án theo quy định.
“Với sự vào cuộc tích cực, sát sao của các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, hy vọng 13 dự án điện LNG trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của Quy hoạch điện VIII sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động theo đúng tiến độ được phê duyệt”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.