Quy hoạch điện VIII chậm gần 4 năm, Bộ Công thương nói gì?
Quy hoạch điện VIII chậm gần 4 năm, nhà đầu tư kiến nghị sớm ban hành để khuyến khích phát triển điện sạch, hướng đến cam kết Net Zero vào 2050.
Nhà đầu tư kiến nghị sớm ban hành
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) là cơ sở pháp lý căn bản để xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bộ Công thương bắt tay vào xây dựng từ năm 2019 và chính thức trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch vào cuối năm 2021. Thế nhưng, đến nay chưa được thông qua sau nhiều lần chỉnh sửa.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tiến độ lập quy hoạch chậm dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Trong bối cảnh, việc phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều vướng mắc, trong khi phát triển lưới điện vẫn chưa theo kịp nguồn điện khiến cho nhiều nguồn điện năng lượng tái tạo bị cắt giảm mạnh.
Đặc biệt, với chủ trương chuyển đổi từ các nguồn điện truyền thống gây ô nhiễm môi trường sang nguồn điện sạch, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm vào ngành năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), kiến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DDPA) để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là nhà máy trong khu công nghiệp được phép tham gia hợp đồng mua bán điện trực tiếp.
“Điều này sẽ tác động tích cực vào tính cạnh tranh ngành năng lượng Việt Nam”, đại diện Amcham nói và cho hay, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi Quy hoạch điện VIII.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN (Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN - USABC) Michael Michalak nhấn mạnh việc thực hiện cam kết lộ trình trung hòa carbon của Việt Nam” để nói rằng “cần ưu tiên phê duyệt sớm Quy hoạch điện VIII”.
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển các nguồn điện gió, đặc biệt điện gió ngoài khơi. Thế nhưng, một dự án điện gió ngoài khơi vẫn phải cần ít nhất từ 7-8 năm để hoàn thành.
Trong khi, Quy hooạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có khoảng 7.000-8.000 MW điện gió ngoài khơi đi vào vận hành.
Bởi vậy, việc kiến nghị đẩy nhanh phê duyệt là cần thiết, để tránh những hệ lụy về sau.
Bộ Công thương nói gì?
Về việc chậm trễ, lãnh đạo Bộ Công thương bày tỏ, do tính chất phức tạp, vừa phải khắc phục tồn tại trong quy hoạch, vừa tổ chức thực hiện quy hoạch trước đó, đến nay, quy hoạch cơ bản mới được hoàn thiện.
Quy hoạch điện VIII là một trong số ít quy hoạch ngành, quốc gia của Việt Nam được triển khai từ năm 2019, đến nay đã gần 4 năm, qua 4 lần dự thảo, Bộ trưởng Công thương cho hay: Bản Quy hoạch điện VIII mới đã được xây dựng theo hướng quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giá thành điện năng đáp ứng được khả năng thanh toán của các đối tượng sử dụng điện.
Cụ thể, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, cả điện mặt trời, điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, điện sinh khối, cũng như các nguồn điện Việt Nam có lợi thế.
“Bộ Công thương cũng đang xây dựng các cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái, cơ chế mua bán điện trực tiếp đi kèm thực hiện mục tiêu chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí”, theo Bộ Công thương.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, bản thảo mới nhất Quy hoạch điện VIII đang được Bộ này cùng đơn vị tư vấn gấp rút hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 5 tới.
Ngoài ra, Bộ này cũng đang xây dựng các cơ chế mua bán điện trực tiếp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.