Quy hoạch đô thị sông Hồng: Tính khả thi trong thực hiện
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 1045/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng tỷ lệ 1/5000.
Đây là một trong hai phân khu cuối cùng nhằm triển khai quy hoạch chung Thủ đô (phân khu sông Hồng và phân khu sông Đuống), đồng thời có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, đặt nền móng cho việc TP sẽ hướng mặt vào dòng sông để phát triển thay vì “quay lưng" ra sông Hồng như lâu nay.
Câu chuyện về vùng đất hai bên sông Hồng
Từ hơn 15 năm trước, Tập đoàn Posco của Hàn Quốc đã đề xuất xây dựng TP sông Hồng dựa vào mô hình TP sông Hàn rất thành công, vừa trị thủy hiệu quả vừa làm điểm nhấn cho Thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Kể từ đó, nhiều ý kiến thảo luận trên công luận biểu hiện trái chiều nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng, sông Hồng khác xa với sông Hàn, con nước khác hẳn nhau, khó có thể vừa trị thủy vừa làm đô thị sầm uất. Cũng có ý kiến bàn về phong thủy, làm đô thị ở đây sẽ đứt long mạch nối hồ Tây với Cổ Loa. Lại có ý kiến khác nữa bàn về đất đai trên bãi sông Hồng quá phức tạp, đa số dân tứ xứ tới lấn chiếm đất nông nghiệp làm nơi cư ngụ tạm thời…
Sau thời gian, những luồng ý kiến rồi cũng dần chìm xuống và Posco cũng không còn tha thiết với đề xuất của mình. Sau đó, cũng vài lần nữa, một số DN trong nước đã khơi lại ý tưởng TP sông Hồng. Mỗi lần như vậy dư luận công chúng lại ồn ào, rồi lại lắng đi. Dù sao, ý tưởng TP sông Hồng vẫn là một sáng kiến hay nhưng cũng là một vấn đề phức tạp, đặc biệt khó khăn.
Xưa kia, sông Hồng dữ dằn lắm. Mỗi lần con nước lớn, các cư dân sinh sống ven sông lại nơm nớp lo vỡ đê. Tôi quê ở Gia Lâm, ngày còn bé phải lên Hà Nội trọ học vì ở quê không có lớp học. Một hai tuần lại về quê một lần, mỗi lần đi mất 12 cây số dọc theo sông Hồng.
Mùa nước to, có thể đứng trên mặt con chạch mà khỏa chân xuống dòng nước chảy xiết. Hoa màu của dân sống ven đê trồng bên bãi đều ngập chìm dưới dòng nước lũ. Hệ thống đê sông Hồng quả là kiên cố, cứ khoảng một cây số lại có một điểm canh đê theo dõi lũ lụt. Chúng ta có thể xem lại truyện ngắn “Sống chết mặc bay” của nhà văn Phạm Duy Tốn để nhìn lại cảnh đê xưa phòng hộ và lũ lụt ập đến bất cứ lúc nào. Vậy nên bãi sông Hồng đoạn Hà Nội rất rộng, cũng là để tránh thảm họa vỡ đê.
Từ khi đó đến nay, nước sông Hồng cạn dần do trên thượng nguồn đã sử dụng nước sông triệt để hơn. Mùa nước lũ cũng không thấy nước dâng cao, dự án lớn nhỏ và cư dân tràn vào lợi dụng đất bãi sông để đầu tư. Khi nước sông hiền hòa hơn, bãi sông Hồng lại tỏ ra như một vùng tài nguyên đặc biệt quý giá cho đô thị hóa. Quá trình lợi dụng bãi sông Hồng, có nhiều trường hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng cũng rất nhiều trường hợp tự phát làm trái pháp luật. Người ta lấn bãi sông Hồng nhưng nhiều người vẫn lo ngại nhỡ con nước lúc nào đó lại đột nhiên dữ dằn như trước thì sao.
Một trong những phim truyền hình tôi thích xem là “Chuyện phố phường” nói về cái vô gia của Hà Nội cổ đứng trước sự cám dỗ của đồng tiền, trong đó có nhiều trường đoạn mô tả rất sinh động vấn đề đất đai trên bãi sông Hồng. Trên đời thực, tôi cũng đã có lần mong muốn tìm nơi ở yên tĩnh giữa thiên nhiên, bạn bè giới thiệu đến bến Bạc gần cầu Thăng Long. Phong cảnh hữu tình, thiên nhiên êm dịu nhưng đất đai thì rối như canh hẹ. Nhiều biệt phủ sang trọng nhưng xây dựng trên đất nông nghiệp. Muốn lắm nhưng đành phải rút lui vì thửa đất nào cũng vi phạm pháp luật đất đai.
Tính toán kỹ hiện trạng sử dụng đất để quy hoạch được khả thi
Tại Quyết định 1045/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã chia vùng quy hoạch thành 3 phân khu: Phân khu 1 từ cầu sông Hồng đến cầu Thăng Long có chức năng bảo đảm môi trường; phân khu 2 từ cầu Thăng Long tới cầu Thanh Trì làm khu dân cư gắn với các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và phân khu 3 từ cầu Thanh Trì tới cầu Mễ Sở lại có chức năng bảo đảm môi trường. Mỗi phân khu đều có các số liệu, chỉ tiêu về đất đai, con người, hoạt động kinh tế cụ thể.
Quy hoạch phân khu như vậy là hợp lý, nhưng bước tiếp theo cần đặt ra là phải làm gì, làm như thế nào để thực thi được quy hoạch khi hiện trạng sử dụng đất quá phức tạp trên bãi sông này. Chúng ta biết rằng hiện trạng sử dụng đất quyết định tới tính khả thi của quy hoạch. Nhiều trường hợp, ý tưởng quy hoạch là tốt nhưng không thể thực thi được do tính phức tạp của hiện trạng sử dụng đất.
Nhìn lại thực tiễn của cuộc sống trên bãi sông Hồng, những con số trên bản quy hoạch phân khu không diễn tả hết phức tạp trong sử dụng đất bãi sông bấy lâu nay. Bằng cách nào để đưa được hiện trạng sử dụng đất về như mong muốn của quy hoạch nếu không tính toán kỹ sẽ là bất khả thi. Như cách thường làm ở ta là dựa vào quyền thu hồi đất của Nhà nước sẽ càng làm cho câu chuyện thực thi quy hoạch phức tạp hơn.
Ở các nước phát triển, người ta sử dụng cơ chế “góp đất và điều chỉnh lại đất đai”. Mỗi một người đang sử dụng đất có trách nhiệm góp một phần đất trên nguyên tắc phần đất góp tỷ lệ thuận với giá trị đất đai tăng thêm do đô thị hóa mang lại. Ở ta cũng có thể xem xét tỷ lệ góp đất căn cứ cả vào tình trạng pháp lý của thửa đất và hoàn cảnh tài chính của người đang sử dụng đất. Phương án góp đất và phương án điều chỉnh lại đất phải được công khai, minh bạch, được sự ủng hộ của đại đa số cư dân sử dụng đất.
Phương thức “góp đất và điều chỉnh lại đất đai” đã được Washington - tổng thống đầu tiên của Mỹ áp dụng để kêu gọi góp đất xây dựng thủ đô. Từ đó, phương thức này được áp dụng ở rất nhiều nơi thay thế cho cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đã đầu tư thử nghiệm giải pháp này để nâng cấp một khu phố nghèo tại TP Sóc Trăng. Kinh nghiệm này cũng nên áp dụng rộng rãi trong đô thị hóa và Hà Nội có thể tiếp tục thử nghiệm cho thực thi quy hoạch TP sông Hồng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-do-thi-song-hong-tinh-kha-thi-trong-thuc-hien.html