Quy hoạch đô thị với sự tham gia của cộng đồng: Tạo đồng thuận, tăng tính khả thi
Nguyên tắc công khai, minh bạch, ưu tiên sự trao đổi, tiếp thu những ý kiến đóng góp của người dân trong xây dựng quy hoạch, phát triển đô thị đã được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật. Việc tham gia của cộng đồng sẽ góp phần tạo được sự đồng thuận, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch xây dựng, từ đó nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển đô thị...
Bảo đảm tham gia ngay từ đầu
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, quá trình lập quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị luôn có sự tham gia của cộng đồng. Sự tham gia này đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến quy trình quy hoạch, nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, đặc biệt rút ngắn sự cách biệt giữa quy hoạch trên giấy với thực tế cuộc sống.
“Nói cách khác, với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, các đồ án quy hoạch mang tính khả thi cao, hạn chế những ý muốn chủ quan và áp đặt, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực thi các đồ án quy hoạch”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến khẳng định.
Ở Việt Nam, vai trò của cộng đồng đã được quy định cụ thể trong các luật quan trọng có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai… Sau nhiều lần điều chỉnh, quy định về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác quy hoạch ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn.
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, vai trò của cộng đồng trong phát triển đô thị cũng như công tác quy hoạch đã được thể chế hóa với quan điểm cộng đồng là yếu tố tất yếu tham gia trong tất cả giai đoạn của công tác quy hoạch. Sự tham gia của cộng đồng phải bảo đảm từ giai đoạn đầu là giai đoạn cung cấp tư liệu thông tin, mong muốn, nguyện vọng, định hướng, đến việc trao đổi trực tiếp với người ra quyết định phê duyệt quy hoạch và giai đoạn cuối cùng là triển khai ý tưởng quy hoạch.
“Trong quá trình xây dựng Quy hoạch chung Thủ đô, thành phố luôn chú trọng việc lấy ý kiến cộng đồng vào các bản quy hoạch, nhất là các quy hoạch đặc thù như khu phố cổ, khu phố kiến trúc Pháp, khu vực Hồ Gươm, hồ Tây… thông qua điều tra xã hội học, triển lãm để lấy ý kiến người dân”, ông Đào Ngọc Nghiêm nhận định.
Phát huy ý kiến đóng góp của người dân
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, việc triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, việc thực hiện nội dung này đang gặp nhiều vướng mắc bởi các quy định còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể về cấp độ, phạm vi, thành phần, tỷ lệ ý kiến đồng thuận… Điều này khiến đơn vị tư vấn lập quy hoạch đều đang tự đưa ra nội dung để xin ý kiến cộng đồng mà không có bất kỳ mẫu chung nào.
Về hình thức xin ý kiến, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng chưa có quy định cụ thể nên cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là những đồ án trải dài qua nhiều địa phương, liên quan đến nhiều đơn vị hành chính, việc xin ý kiến cộng đồng dân cư gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài.
Cũng theo ông Lưu Quang Huy, các văn bản luật đều quy định việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Điều này phù hợp với quan điểm nghiên cứu quy hoạch là công khai, bảo đảm tính minh bạch khi lập quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế áp dụng quy định này trong hơn 10 năm qua cho thấy, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ quy hoạch không đạt được mục tiêu cần thiết. Nhiệm vụ quy hoạch là đầu bài, là các yêu cầu để lập quy hoạch, không thể hiện được mong muốn cụ thể của cộng đồng dân cư, nên việc lấy ý kiến rất hình thức, thời gian bị kéo dài (tối thiểu 30-40 ngày) mà không đem lại nhiều hiệu quả.
Còn theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, để sự tham gia của cộng đồng đạt chất lượng, phát huy hiệu quả, các cấp, ngành cần xây dựng lộ trình, xác định cụ thể đối tượng tham gia vào từng loại đồ án quy hoạch, dự án phát triển đô thị. Đặc biệt, cần làm rõ khái niệm “đại diện cộng đồng dân cư”, cụ thể gồm những thành phần nào nhằm thuận tiện cho quá trình triển khai lấy ý kiến cho các đồ án quy hoạch.
“Vấn đề còn tồn tại lớn nhất hiện nay là sau khi lấy ý kiến của cộng đồng, việc trao đổi giữa những người ra quyết định phê duyệt với những người tham gia ý kiến nhằm tìm ra sự đồng thuận còn đang rất yếu. Vì vậy, phần lớn người dân mới chỉ biết đến định hướng của quy hoạch chứ chưa thấy được trách nhiệm, vai trò của mình trong thực hiện các quy hoạch đó”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.
Theo chuyên gia này, Hà Nội đang lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch tích hợp, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, đối tượng trong xã hội. Do đó, việc lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng như thế nào nhằm tạo sự đồng thuận, bảo đảm chất lượng của quy hoạch rất cần được tính toán kỹ. Việc phổ biến những định hướng phát triển cũng cần được chú trọng cải thiện, đa dạng các hình thức đến từng tổ dân phố, khu dân cư, chứ không để người dân phải tự tìm hiểu. Có như vậy, mỗi người dân mới thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quy hoạch, xây dựng phát triển Thủ đô.