Quy hoạch Hà Nội phải có tầm nhìn và tư duy đổi mới

Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi quy hoạch phải có tầm nhìn và tư duy đổi mới.

Sáng 7/10, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thành ủy Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu".

Tham luận tại hội thảo, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hiện tại, trong Quy hoạch Thủ đô, tầm nhìn được xác định đến năm 2050, còn trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô thì tầm nhìn xác định đến năm 2065. Điều này dễ dẫn đến mục tiêu và vấn đề liên kết giữa 2 quy hoạch trong quá trình phát triển của Thủ đô có nhiều bất cập.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính phát biểu tại hội thảo.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính phát biểu tại hội thảo.

Ông Chính cũng nêu ra loạt vấn đề đang là thách thức với sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội: Quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo; tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều; tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm; kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển...

Ông Chính cho rằng, Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi quy hoạch phải có tầm nhìn và tư duy đổi mới, xây dựng Hà Nội đột phá hơn và có thể chế quản lý tốt hơn.

“Vì vậy, thành phố cần phân tích kỹ các kịch bản để điều chỉnh phân bố dân số; tiếp tục giảm dân số trong nội đô lịch sử, thúc đẩy hình thành, tạo nơi đến có chất lượng ở các đô thị phát triển, đô thị vệ tinh....; tăng cường kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn, xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội tại khu vực đô thị, nông thôn cũng như phải kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô.

Việc lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu phát triển trong khu vực chức năng đặc thù cần được làm rõ trong lần điều chỉnh này”, ông Trần Ngọc Chính đề xuất.

Gợi ý nhiều vấn đề, ông Chính cho rằng, thành phố cần xác định quy hoạch liên kết với biển - kinh tế biển với các cửa khẩu quốc tế và sân bay quốc tế trong vùng. Phải làm nổi bật tam giác phát triển kinh tế biển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và nền văn hóa nổi tiếng của kinh thành Thăng Long và Đồng bằng sông Hồng.

Ông Chính nêu, vị trị địa lý của Hà Nội rất thuận lợi cho phát triển không gian kinh tế và cảnh quan đô thị, đặc biệt là sông Hồng, theo hướng sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.

"Để sông Hồng thực sự trở thành một trục cảnh quan thiên nhiên, dòng chảy lịch sử tạo nên dấu ấn của nền văn hóa Thăng Long và góp phần làm nên một Hà Nội văn hiến, khi kết hợp trục sông Hồng với trục Ba Vì - Hồ Tây thành trục văn hóa sẽ làm nên một Hà Nội riêng khác, đặc trưng. Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai)", ông Chính nói

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: “Không có gì phải nghi ngờ Hà Nội là “tọa độ” hội tụ sức mạnh quốc gia khi tích hợp tiềm năng, tổ hợp lợi thế và hội tụ tài năng. Đó là những lợi thế tuyệt đối”.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, chúng ta bàn nhiều về tiềm năng, lợi thế nhưng giải pháp để hiện thực hóa cho đến tầm thì chưa đủ. Để biến tiềm năng, lợi thế thành sức mạnh hiện thực, cần có điều kiện và giải pháp. Thành phố chưa đạt được thành tựu như mong đợi vì giải pháp chưa đến tầm và điều kiện chưa đủ. Ngoài ra, thành phố đánh giá hiệu quả phát huy theo quan điểm so sánh với các địa phương xung quanh, với mục tiêu đua tranh quốc tế cũng chưa đủ tầm nên chưa nhận diện mình thực sự đúng nghĩa.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu bế mạc.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu bế mạc.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh để thực hiện sứ mệnh, Hà Nội cần sự hỗ trợ đặc biệt to lớn từ Trung ương, trong đó, có việc dành ưu tiên về nguồn lực quy mô lớn, cung cấp các dự án phát triển đặc biệt để tạo khai thông - đột phá và những thể chế, giải pháp vượt trội nhằm tạo không gian mở, cơ hội phát triển mới cho Hà Nội.

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những ý kiến của các chuyên gia và nhà khoa học đối với sự phát triển của Hà Nội.

Ông cho rằng những ý kiến đề xuất giải pháp, kiến nghị tại hội thảo là cơ sở quan trọng giúp Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.

Minh Tuệ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/quy-hoach-ha-noi-phai-co-tam-nhin-va-tu-duy-doi-moi-ar900521.html