Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam với 3 cực tăng trưởng
Hoạch định 3 cực tăng trưởng chủ đạo là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, xác định 11 trung tâm du lịch được hoạch định trên cơ sở lợi thế và thực trạng phát triển của các đô thị có tiềm năng và lợi thế lớn.
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị Công bố “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong quá trình phát triển, ngành du lịch đã 3 lần được quy hoạch phát triển du lịch.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhận định, trong giai đoạn 10 năm tới, ngành du lịch có nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, xu thế hòa bình, ổn định, độc lập, hợp tác để phát trỉen là xu thế chủ đạo, diễn ra sâu rộng trên toàn thế giới, cùng với đó là sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại thuận lợi lớn cho du lịch phát triển. Đứng trước yêu cầu, cơ hội và thách thức, vận hội mới, kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc, đòi hỏi ngành du lịch cần có các định hướng phát triển mới, hành trang mới, phù hợp vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện ở những điểm mới trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 so với quy hoạch của giai đoạn trước.
Cụ thể, Quy hoạch đưa ra 6 quan điểm phát triển du lịch trên tinh thần bám sát Nghị quyết 08, Quy hoạch tổng thể quốc gia và kế thừa các quan điểm phát triển giai đoạn trước, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, gồm: (1) Tiếp tục khẳng định vai trò mũi nhọn của du lịch; (2) Bổ sung, đi sâu các nội dung phù hợp xu hướng mới nhưng vẫn nhấn mạnh lấy giá trị văn hóa Việt Nam làm nền tảng, phát huy vai trò động lực của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; (3) Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hướng tới chất lượng và khả năng cạnh tranh quốc tế trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia; (4) Phát triển du lịch bền vững, sáng tạo; (5) Nhấn mạnh chuyển đổi số, khoa học công nghệ và phát huy yếu tố con người; (6) Đặc biệt, quan điểm về ứng phó với rủi ro là nội dung mới và cần thiết ở giai đoạn tới.
Về thị trường du lịch, xác định và cơ cấu lại thị trường theo hướng chất lượng, đa dạng hóa các thị trường; phân loại, khai thác các thị trường có mức chi trả cao, lưu trú dài ngày. Đồng thời, kết hợp khai thác hài hòa giữa thị trường du lịch quốc tế và thị trường du lịch nội địa.
Về sản phẩm du lịch, phát triển 4 nhóm sản phẩm bao gồm các dòng sản phẩm chính là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị; các dòng sản phẩm mới như du lịch golf, du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE; các dòng sản phẩm đặc thù theo vùng như loại hình du lịch gắn với kinh tế đêm, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Tổ chức không gian phát triển du lịch được định hướng chi tiết và là những điểm mới của Quy hoạch lần này. Trong đó, định hướng phát triển và liên kết 6 vùng du lịch: vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng du lịch này phù hợp với phân vùng kinh tế, xã hội của Quy hoạch tổng thể quốc gia; định hướng phát triển từng vùng qua thế mạnh tài nguyên; hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Xác định các tiểu vùng, cụm du lịch, đô thị trung tâm dịch vụ cho từng vùng.
Hoạch định 3 cực tăng trưởng chủ đạo là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng. Bên cạnh đó, xác định 11 trung tâm du lịch được hoạch định trên cơ sở lợi thế và thực trạng phát triển của các đô thị có tiềm năng và lợi thế lớn, gồm: Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình (Ninh Bình), Huế (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang)
Xây dựng và hình thành 8 khu vực động lực gắn với các giai đoạn phát triển cụ thể. Đến 2030, tập trung hình thành 06 khu vực động lực gồm: khu vực động lực phát triển du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; khu vực động lực phát triển du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận; khu vực động lực phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh - Bà Rịa; khu vực động lực phát triển du lịch Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau. Giai đoạn sau 2030, hình thành 02 khu vực động lực gồm: khu vực động lực phát triển du lịch Lào Cai - Hà Giang; khu vực động lực phát triển du lịch Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên.
Phát triển 5 hành lang du lịch chính bám sát Quy hoạch tổng thể quốc gia và có sự điều chỉnh gắn với đặc trưng của ngành du lịch, phù hợp với các khu vực động lực đã được định hướng, bao gồm: hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông; hành lang du lịch Bắc - Nam phía Tây; hành lang du lịch Đông - Tây phía Bắc; hành lang du lịch Đông - Tây (miền Trung); Hành lang du lịch Đông - Tây phía Nam. Ngoài ra, xác định 61 khu vực tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia.
Cùng với đó, các nội dung trong quy hoạch đã cơ bản cập nhật đúng tầm các định hướng phát triển mang tính thời đại (kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số…), các xu hướng mà Việt Nam đang quyết tâm phát triển ở mức độ cao nhất; đồng thời, định hình rõ các tương quan cấu trúc hiện đại, trong đó thể hiện rõ các định hướng, quan điểm về một ngành du lịch: Chất lượng, hiệu quả, bền vững, toàn diện, lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trọng tâm. Quan tâm đến lợi ích hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trong đó tôn trọng văn hóa bản địa của địa phương và phát huy hiệu quả vai trò cộng đồng địa phương và phát huy truyền thống giá trị văn hóa bản địa….; phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát huy, xác định công nghệ là yếu tố then chốt để đẩy nhanh quá trình phát triển lên tầm cao mới, gia tăng trải nghiệm, chất lượng dịch vụ. Coi yếu tố nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để hội nhập, nâng tầm, cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, Quy hoạch hệ thống du lịch du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và các ngành liên quan khác như giao thông, xây dựng, biển đảo… và nhất là phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Quy hoạch đã cơ bản giải quyết được các nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài; khắc phục được những tồn tại, bất cập, bảo đảm phát huy lợi thế quốc gia, tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời hy vọng, với những nhóm giải pháp cụ thể sẽ góp phần định hướng cho ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, hiệu quả trong thời gian tới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.