Quy hoạch khoáng sản phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Các đại biểu Quốc hội và cử tri kỳ vọng, Luật Địa chất và Khoáng sản được ban hành sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong công tác lập quy hoạch khoáng sản, nhất là tình trạng chồng lấn, mâu thuẫn giữa triển khai quy hoạch khoáng sản với nhu cầu triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cần bảo đảm thống nhất, minh bạch về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản. Ảnh minh họa

Cần bảo đảm thống nhất, minh bạch về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản. Ảnh minh họa

Gắn quy hoạch khoáng sản với nhu cầu sử dụng

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Trong quá trình góp ý, hoàn thiện Dự thảo Luật, vấn đề quy hoạch khoáng sản nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và nhân dân.

Tại Dự thảo Luật trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất phương án giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản. Tuy nhiên, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường lập các quy hoạch khoáng sản tương tự như Luật Khoáng sản hiện hành.

Trên cơ sở phân tích các ưu, nhược điểm của từng phương án, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) và nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý phương án giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường lập các quy hoạch khoáng sản. Việc này sẽ bảo đảm gắn kết giữa công tác lập quy hoạch với việc tổng hợp thông tin, số liệu, đánh giá và xác định nhu cầu sử dụng nguyên liệu khoáng sản của các ngành công nghiệp luyện kim, hóa chất và vật liệu xây dựng do các Bộ này đang quản lý. Đồng thời, duy trì tính ổn định trong việc phân công trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản thời gian qua, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các Bộ, hạn chế xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn tại địa phương…

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội, cho rằng, nếu quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch khoáng sản sẽ phá vỡ sự ổn định của các quy hoạch liên quan đến việc phê duyệt, ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước của các Bộ không thống nhất. Hơn nữa, công tác phối hợp giữa các Bộ trong lập một quy hoạch gồm có cả thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản là không khả thi.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La) phân tích, nếu “quy hoạch thăm dò, khai thác” tách biệt với “chế biến và sử dụng”, đồng thời giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, không phải là cơ quan quản lý về sản phẩm sẽ dẫn đến nhiều bất cập, khó có thể cân đối cung cầu trong nước và thị trường xuất, nhập khẩu để đảm bảo bình ổn giá cả thị trường… Còn đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) băn khoăn, nếu giao Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, đồng thời là cơ quan cấp phép cho hoạt động khoáng sản sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Giải quyết chồng lấn trong quy hoạch vùng dự trữ khoáng sản

Cùng với việc bảo đảm thống nhất, minh bạch về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, từ thực tiễn địa phương, các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc cho phép bổ sung quy định điều chỉnh hằng năm với các quy hoạch khoáng sản cho phù hợp thực tiễn.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho hay, thực tiễn hiện nay, một số địa phương đang rất vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản. Điển hình như quy hoạch khoáng sản là bô-xít đã ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc lập quy hoạch chưa bám sát tình hình phát triển, còn chồng lấn với quy hoạch khác, gây ách tắc cho sự phát triển. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về căn cứ quy hoạch khoáng sản là "Thực trạng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tại khu vực có tiềm năng khoáng sản quy hoạch".

Đại biểu cũng chỉ ra thực tế, hiện nay, trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên, việc quy hoạch bô-xít phân bố rộng, có huyện quy hoạch bô-xít chiếm khoảng 53% diện tích tự nhiên và có xã chiếm đến 90% nên diện tích quy hoạch bao trùm lên toàn bộ hoạt động đời sống kinh tế - xã hội của người dân cũng như các mỏ vật liệu xây dựng thông thường và tác động rất lớn đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư. Đơn cử như tỉnh Đắk Nông, có khoảng hơn 1.000 dự án bị chồng lấn với quy hoạch bô-xít nên gần như không thể triển khai được.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Dự thảo Luật nên quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch để trình Quốc hội xem xét. Đồng thời, cần rà soát, bổ sung vào Dự thảo Luật việc cấp phép cho các đơn vị khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường trong khu vực phát hiện có khoáng sản bô-xít, bao gồm cả những đơn vị chưa được cấp phép thăm dò, khai thác bô-xít, để đảm bảo không đứt gãy nguồn cung ứng vật liệu xây dựng cơ bản.

Tôi đề nghị bổ sung trong nội dung quy hoạch khoáng sản là "đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, so sánh chi phí, lợi ích giữa việc lựa chọn vị trí, quy mô các khu vực có tiềm năng quy hoạch, khai thác khoáng sản so với việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác để làm cơ sở lựa chọn quy mô, diện tích khu vực quy hoạch khoáng sản cho phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai

Đại biểu Hoàng Thị Đôi cũng cho rằng, tài nguyên khoáng sản nằm trong lòng đất chưa thể phát hiện, đồng thời nhu cầu sử dụng thay đổi theo thực tế hằng năm, trong khi quy hoạch khoáng sản phụ thuộc vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung và của địa phương. Do đó, để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển chung thì Luật cần có quy định cho phép điều chỉnh, cập nhật quy hoạch khoáng sản định kỳ hằng năm.

Liên quan đến quy định về thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) chỉ ra, Dự thảo Luật quy định về dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Quy định này đồng nghĩa với việc muốn triển khai các công trình, dự án trên thì phải có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ mới được triển khai thực hiện. Theo đại biểu, việc này là bất hợp lý, gây khó khăn và kéo dài thời gian. Đại biểu đề nghị cần phân cấp nội dung này cho Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh có thể ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện đối với các công trình hay các dự án nhỏ xây dựng trên khu vực này./.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/quy-hoach-khoang-san-phu-hop-voi-yeu-cau-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-34526.html