Quy hoạch Khu Du lịch Tam Chúc hướng tới là Khu Du lịch quốc gia

Nhằm cụ thể hóa quy hoạch phát triển tổng thể Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc đến năm 2030, quy hoạch chung đô thị Kim Bảng, quy hoạch vùng tỉnh Hà Nam; khai thác tiềm năng, lợi thế vị trí, giá trị cảnh quan tự nhiên kết hợp bảo tồn, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực; tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững,... vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng thuộc Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc.

Quy hoạch các khu chức năng

Khu chức năng đầu tiên là Khu văn hóa tâm linh thuộc Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc có diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 1.213 ha. Trong đó, bao gồm 1.005ha là Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc (theo Quyết định số 526/QĐ-TTg, ngày 15/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030) và 208 ha là diện tích bổ sung vào khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc phần đất xen kẹt cộng lại giữa Hà Nam và Hà Nội, Hòa Bình làm khu vực bảo tồn cảnh quan đồi núi tự nhiên. Hình thành trung tâm văn hóa tâm linh có quy mô lớn trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và Hà Nam nói riêng, gắn với các chức năng chính: Tham quan, hành hương, thực hành tín ngưỡng, chiêm bái các công trình tôn giáo, tổ chức các khóa học về Phật học ngắn hạn; bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; tổ chức sự kiện hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí đồng bộ.

Khu văn hóa tâm linh thuộc Khu Du lịch Tam Chúc. Ảnh: Bình Chu

Khu văn hóa tâm linh thuộc Khu Du lịch Tam Chúc. Ảnh: Bình Chu

Khu trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động du lịch thuộc Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc. Đây là nơi cung cấp các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giải trí, du lịch mạo hiểm, du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực,... gắn với phát triển khu đô thị, kết hợp cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện trạng, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu người dân trong khu vực và các hoạt động của Di tích quốc gia Quần thể Danh lam thắng cảnh Tam Chúc - Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc. Hình thành khu chức năng với vai trò trung tâm dịch vụ hậu cần cung cấp các dịch vụ du lịch trên cơ sở đầu tư khu đô thị mới gắn với nâng cấp cải tạo, chỉnh trang đô thị hiện hữu, bảo đảm hài hòa giữa khu vực cũ và khu vực xây dựng mới, phục vụ cho các hoạt động của Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc. Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 502 ha. Quy mô dân số dự kiến khoảng 15.000 người; trong đó, dân số hiện trạng khoảng 6.000 người.

Khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng thuộc Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc có diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 605 ha. Dự kiến phục vụ khoảng 10,2 đến 16,7 triệu lượt khách/ngày (theo Quyết định số 526/QĐ-TTg, ngày 15/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ), chưa kể lượng người phục vụ. Dân cư thường trú khoảng 3.500 người; trong đó, dân cư hiện trạng khoảng 2.500 người, dân cư lưu và phát triển mới khoảng 1.000 người. Hình thành trung tâm khám, chữa bệnh cho người cao tuổi kết hợp với du lịch, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng. Đây là một trong những trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng (homestay) cấp vùng; là trung tâm dịch vụ lưu trú, dịch vụ thương mại gắn với bảo tồn, tôn tạo khu dân cư cũ và có các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ.

Khu trung tâm đón tiếp thuộc Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc có diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 168 ha. Phục vụ khoảng 10,2 đến 16,7 triệu lượt khách/ngày (cũng theo Quyết định số 526/QĐ-TTg, ngày 15/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ) và chưa kể lượng người phục vụ. Tính chất là nơi đón tiếp, điều phối hoạt động, cung cấp thông tin, hướng dẫn cho khách du lịch và là trung tâm tổ chức sự kiện hội nghị, hội thảo, triển lãm, giới thiệu sản phẩm có quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ của Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc.

Khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang có diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 859 ha. Tại đây hình thành các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể dục thể thao (golf, leo núi,...) có tiện ích đồng bộ trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế về địa hình, cảnh quan thiên nhiên của khu vực. Xác định khoanh vùng bảo vệ, tôn tạo hệ sinh cảnh động, thực vật tự nhiên quý hiếm trong khu vực và vùng phụ cận, trở thành vùng đệm đặc hữu, lá phổi xanh cho toàn vùng. Là cơ sở pháp lý cho việc triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, quản lý các dự án đầu tư xây dựng, quản lý quá trình xây dựng và phát triển. Đồng thời, đây cũng là một trong những trung tâm nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, thể dục thể thao có tiện ích đồng bộ, cao cấp cấp vùng; là khu vực được bảo tồn, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên. Trong quá trình nghiên cứu đồ án khi có yếu tố mới có vai trò làm tăng giá trị không gian kiến trúc cảnh quan môi trường, phục vụ cộng đồng và thúc đẩy phát triển về kinh tế - xã hội thì có thể xem xét đề xuất điều chỉnh, bổ sung tính chất cho phù hợp.

Các yêu cầu về nội dung nghiên cứu lập quy hoạch

Trong các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng thuộc Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nam - cơ quan chủ đầu tư và cơ quan lập quy hoạch (đơn vị tư vấn có năng lực phù hợp, được lựa chọn theo các quy định pháp luật hiện hành) khi xây dựng đồ án quy hoạch phải đánh giá về điều kiện tự nhiên, hiện trạng kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Trong đó, đánh giá các đặc điểm tự nhiên của khu vực nghiên cứu (về địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, thủy lợi, địa chất công trình,...), đặc điểm cảnh quan sinh thái của khu vực trong mối liên kết với các khu vực xung quanh liền kề; đánh giá tình hình sử dụng đất, công trình kiến trúc, nhà ở khu vực lập quy hoạch (khu nông nghiệp, lâm nghiệp, khu vực dân cư hiện hữu, khu công trình tôn giáo, lịch sử văn hóa cần bảo vệ, quốc phòng an ninh,...). Đặc biệt, cần xác định rõ diện tích đất, quy mô diện tích, tầng cao công trình tôn giáo đang có trong khu vực nghiên cứu.

Khung cảnh Lễ hội Tam Chúc 2024. Ảnh: Chu Uyên

Khung cảnh Lễ hội Tam Chúc 2024. Ảnh: Chu Uyên

Ngoài ra, cũng cần đánh giá hiện trạng phát triển khách du lịch khu vực nghiên cứu, thống kê tỉ lệ dân số, lao động; đánh giá lịch sử phát triển, văn hóa xã hội trong khu vực, những ảnh hưởng tác động môi trường văn hóa, lịch sử, quá trình phát triển kinh tế, văn hóa và đời sống của cư dân khu vực... sau đó, tổng hợp các vấn đề hiện trạng, lập phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong khu vực nghiên cứu phát triển, đề xuất toàn diện các vấn đề cần giải quyết và các ưu điểm cần phải khai thác làm cơ sở cho phương án quy hoạch. Đồng thời, phải có dự báo về dân số, lao động, khách du lịch làm cơ sở đánh giá nhu cầu quy mô sử dụng đất trên cơ sở khai thác tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, giá trị cảnh quan thiên nhiên, nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng và đáp ứng nhu cầu dự trữ phát triển dài hạn; lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với tính chất, chức năng từng khu vực; dự báo quy mô các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội... là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực; lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phù hợp với tính chất, chức năng của khu vực lập quy hoạch, làm cơ sở dự báo quy mô phát triển các công trình chức năng...

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung đã được lập, kế thừa và khớp nối các dự án đã và đang triển khai trong phạm vi quy hoạch và kề cận về không gian kiến trúc cũng như hạ tầng kỹ thuật, hình thành tổ hợp các công trình kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc. Trong đó, bảo đảm tính tổng thể và khả năng phát triển của cơ cấu quy hoạch thống nhất, tạo lập không gian khu du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế; bảo đảm tính hợp lý của tổ chức không gian các khu chức năng, cũng như tính bền vững của môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Không gian quy hoạch kiến trúc phải đạt được các yêu cầu về tổ chức không gian, môi trường, có bản sắc riêng.

Tổ chức không gian các khu vực chức năng theo đặc thù từng công trình với các giải pháp hạn chế về mật độ xây dựng, khối công trình kiến trúc phù hợp công năng sử dụng, hài hòa về màu sắc, khí hậu địa phương, tiết kiệm năng lượng; hình thành không gian mở với các điểm nhìn thuận lợi để khai thác giá trị không gian kiến trúc cảnh quan. Chú trọng không gian cây xanh, mặt nước kết hợp với quy mô hình khối và hình thức kiến trúc công trình. Tổ chức, bố trí các công trình chức năng theo nguyên tắc tổ chức mạng lưới tầng bậc, theo phân cấp, bảo đảm khả năng tiếp cận của du khách, bán kính phục vụ thuận lợi và tăng cường các tiện ích công cộng.

Nhận dạng và dự báo các tác động đến môi trường do phương án quy hoạch và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gây ra. Xác định các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động và quản lý, giám sát môi trường để bảo đảm phát triển bền vững. Việc quy hoạch các khu chức năng phải tuân thủ việc bảo tồn, tôn trọng hệ sinh thái, động thực vật thiên nhiên và phát huy tính nguyên trạng của hệ thống sinh thái theo các đồ án quy hoạch bảo tồn trong khu vực.

Chu Bình

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/du-lich/quy-hoach-khu-du-lich-tam-chuc-huong-toi-la-khu-du-lich-quoc-gia-146620.html