Quy hoạch là công cụ để phát triển kinh tế - xã hội

Thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, các ĐBQH Đoàn TP Hà Nội khẳng định, quy hoạch chính là công cụ để các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện cụ thể hóa mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cần làm rõ nguyên nhân vì sao chậm quy hoạch

Tán thành với nội dung báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh việc ban hành Luật Quy hoạch đã giảm được hàng trăm quy định của pháp luật về quy hoạch, giúp giảm chi phí, công sức cho việc lập, thực hiện quy hoạch, xóa bỏ tình trạng chồng chéo, cản trở do phải tuân thủ quá nhiều quy định pháp luật khác nhau. "Việc tích hợp quy hoạch đã tạo cơ chế tăng động lực điều phối của Nhà nước, của các ngành, chia sẻ dữ liệu hình thành hệ thống thông tin chung về quy hoạch, nhằm khai thác các nguồn lực một cách thống nhất, công khai, minh bạch, xóa bỏ tình trạng tự điều chỉnh, tự quy hoạch", ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Liên quan đến việc chậm tiến độ quy hoạch, đại biểu nhấn mạnh cần làm rõ nguyên nhân vì sao chậm, vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh, và nếu phải điều chỉnh, ai sẽ chịu chi phí bồi thường cho nhà đầu tư? Vì sao một số chỉ tiêu quy hoạch của ngành vừa được phê duyệt đã trở nên không phù hợp? Ngoài ra, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng quy hoạch tích hợp không đơn thuần là ghép nối quy hoạch một cách cơ học đơn thuần, đại biểu cho rằng để thực hiện tốt tích hợp quy hoạch, quá trình lập quy hoạch phải tiến hành đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, để cùng đưa ra các phương án quy hoạch, cùng trao đổi, thảo luận, đi đến phương án chung thống nhất. "Trong các phương án quy hoạch phải quy hoạch các nguồn lực để dành cho phát triển các sản phẩm đã đặt ra trong mục tiêu chiến lược của tỉnh, của vùng, của ngành", ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu rõ.

ĐBQH Hoàng Văn Cường

ĐBQH Hoàng Văn Cường

Thống nhất cao với các nội dung của báo cáo giám sát, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch hệ thống, quy hoạch quốc gia đã được triển khai tích cực, nhưng chỉ mới đạt được những kết quả bước đầu. Đồng thời, các báo cáo đã chỉ ra các nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như chính sách pháp luật quy hoạch còn bất cập từ tư duy, nhận thức, chỉ đạo thi hành, tuyên truyền, tập huấn, công tác tư vấn lập quy hoạch, kinh nghiệm, phương pháp lập quy hoạch, đầu tư cho công tác quy hoạch hệ thống thông tin dữ liệu. "Kết quả giám sát lần này có ý nghĩa để điều chỉnh, thúc đẩy công tác lập quy hoạch của quốc gia, của tỉnh, của các ngành được tốt hơn trong giai đoạn tới", ĐBQG Nguyễn Anh Trí khẳng định.

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia nên bao gồm những nội dung định hướng như về định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, định hướng phát triển không gian biển, định hướng sử dụng đất quốc gia; xem xét lồng ghép quy hoạch để bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm và quy hoạch xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, đai biểu nhấn mạnh việc phát triển du lịch biển để phát triển mạnh mẽ du lịch biển gắn với chủ quyền biển đảo.

Thiếu công cụ quản lý quy hoạch chuyên ngành

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Trần Việt Anh nhấn mạnh quy hoạch chính là công cụ để các cấp, các ngành cụ thể hóa mục tiêu, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Quy hoạch năm 2017 được đánh giá là công cụ quản lý rất tiến bộ với 8 loại hình, gồm 111 quy hoạch, cấp quốc gia là 42 quy hoạch, cấp vùng là 6 quy hoạch, cấp tỉnh, thành phố là 63 quy hoạch. Với mục tiêu đề ra là thống nhất các quy hoạch theo tầng, bậc để quản lý đồng bộ. "Tuy nhiên sau hơn 3 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế trong việc lập, thẩm định, phê duyệt. Cho đến nay chỉ có 3 quy hoạch cấp vùng, tỉnh được phê duyệt theo Luật Quy hoạch năm 2017", ĐBQH Trần Việt Anh chỉ rõ.

Qua khảo sát thực tế tại địa phương, đại biểu cho rằng vẫn còn thiếu công cụ quản lý quy hoạch chuyên ngành, cụ thể là các di sản đô thị do phải tích hợp các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong quy hoạch tỉnh, thành phố. Vài thế, đại biểu Trần Việt Anh đề nghị cần một bản quy hoạch chuyên ngành và kĩ thuật chuyên ngành về di sản văn hóa và khảo cổ học để triển khai các dự án không bị dừng lại vì quy hoạch. Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong Luật Quy hoạch năm 2017, đại biểu cho rằng cần phải đồng thời rà soát các luật và hướng dẫn chuyên ngành thì mới có đủ điều kiện thực hiện Luật Quy hoạch, bên cạnh đó, cần được bổ sung, làm rõ về vấn đề thẩm quyền, thẩm định phê duyệt đối với không gian ngầm đô thị.

Còn ĐBQH Tạ Đình Thi cho biết, trên cơ sở sự tham mưu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 18.12. 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Theo Nghị định, việc tổ chức lập và lấy ý kiến phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh sẽ rút ngắn được thời gian thẩm định quy hoạch tỉnh, đồng thời đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Ngoài ra, theo đại biểu, việc thực hiện đồng bộ với quá trình tổ chức lập quy hoạch tỉnh sẽ rút ngắn được thời gian tổ chức lập, thẩm định quy hoạch tỉnh do nội dung phương án phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực và địa phương, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu quốc gia đã khống chế và bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoat-dong-cua-dai-bieu-doan-dbqh/quy-hoach-la-cong-cu-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-i291236/